SKĐS - Nhiều người khi có các biểu hiện đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho… thường lo lắng không biết nhiễm virus cúm nào mà cứ tái đi tái lại. Vậy có bao nhiêu loại cúm, biểu hiện có gì khác biệt.
Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Bệnh cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh.
Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như người già và người mắc bệnh mạn tính. Mặc dù khó có thể đánh giá đúng tình hình dịch, các vụ dịch cúm hàng năm thường gây 3-5 triệu người bị bệnh nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người chết hàng năm do bệnh cúm trên thế giới.
Hầu hết, các trường hợp tử vong ở các nước phát triển xảy ra ở người già trên 65 tuổi. Hiện có rất ít thông tin về gánh nặng của bệnh cúm ở những nước nhiệt đới là nơi mà dịch xảy ra quanh năm và có tỷ lệ chết/mắc cao.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.
2. Các loại cúm thường gặp
Virus cúm (Influenza virus) gồm 3 tuýp A, B và C. Virus cúm A được chia thành nhiều tuýp.
Về hình thái học virus cúm A, B, C tương tự nhau. Các vụ dịch cúm gần như được ghi nhận hàng năm, mặc dù mức độ lan rộng và độ nguy hiểm của chúng thay đổi. Virus cúm B gây những đợt bùng phát nói chung ít lan rộng và nhẹ hơn so với bệnh do virus cúm A gây ra.
Những đợt dịch cúm B thường xuất hiện ở những nơi đông người như trường học, đơn vị quân đội, nhà trẻ...
2.1 Bệnh cúm A
Virus cúm A gây ra dịch cúm mùa hàng năm. Nó có thể nhiễm cho người và động vật. Cúm A là loại duy nhất có thể gây ra đại dịch, là bệnh lây lan trên toàn cầu. Cả đại dịch cúm gia cầm và cúm heo đều là kết quả của virus cúm A.
2.2. Bệnh cúm B
Virus cúm B cũng có thể gây ra dịch cúm mùa thường chỉ ảnh hưởng đến người. Có hai dòng cúm B: Victoria và Yamagata. Virus cúm B đột biến chậm hơn virus cúm A.
Ngoài ra, còn có virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa ghi nhận lây nhiễm cho người.
3. Diễn biến của các loại cúm
3.1 Đối với bệnh cúm B
Cúm B gây ra, bệnh thường lành tính và tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên cũng cần chú ý tới biến chứng (viêm phổi màng phổi, viêm tai xương chũm.....) của bệnh nhất là ở trẻ em và người già trên 65 tuổi.
Thời gian ủ bệnh 24 - 48 giờ, với khởi phát sốt cao, gai rét, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình, mệt mỏi nhiều và cảm giác như kiệt sức. Bệnh nhân ho với cơn ngắn không có đờm.
Sau thời gian ngắn bệnh chuyển sang thời kỳ toàn phát khi đó người bệnh sốt cao 38 - 39°C, chán ăn, mệt mỏi, tiểu ít, đau đầu, đau mỏi người.
Các biểu hiện đường hô hấp bao giờ cũng xảy ra và xuất hiện ngay những ngày đầu với mức độ nặng nhẹ khác nhau:
Biểu hiện viêm mũi họng: Hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt.
Các triệu chứng viêm thanh khí phế quản: ho khan, khàn tiếng...
Thăm khám bệnh nhân cúm có thể không ghi nhận gì đặc biệt trong những trường hợp nhẹ. Trong những trường hợp nặng có thể thấy họng đỏ, hạch cổ,....
3.2 Đối với bệnh cúm A
Cúm A là một chủng của cúm mùa. Loại virus này được tìm thấy trên vật chủ tự nhiên là loài chim hoang dã nên còn được biết đến với tên gọi cúm gia cầm. Virus này có thể lây lan ở con người và động vật.
Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.
Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.
Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh hoặc đôi khi người ta có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.
Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.
Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…
Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và biến chứng khác.
Đa số những trẻ mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.
3.3 Đối với bệnh cúm C
Cúm C là loại cúm rất ít gặp và nhẹ hơn hẳn so với cúm A, cúm B. Cúm C có ít các triệu chứng lâm sàng và cũng giống như cúm B. Virus cúm C thường gây bệnh ở đường hô hấp trên, các biến chứng ở đường hô hấp dưới rất hiếm gặp chủng virus này.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), virus cúm có thể lây nhiễm sang người ở khoảng cách đến 2m. Ngoài ra, một người có thể bị cúm nếu họ chạm vào bề mặt bị nhiễm virus cúm, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của mình.
CDC báo cáo rằng, những người bị cúm dễ lây nhất trong 3-4 ngày sau khi bị bệnh. Các triệu chứng có xu hướng phát triển 2 ngày sau khi bệnh bắt đầu, vì vậy người có thể truyền bệnh cúm trước khi họ cảm thấy bị bệnh.
Các bệnh đường hô hấp do virus cúm gây ra rất khó phân biệt với các bệnh do các tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, trong vụ dịch cúm đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm thì đa số các trường hợp bệnh nhiễm trùng hô hấp trên là do virus cúm. Do đó, trong vụ dịch, phát hiện bệnh thường dựa vào đặc điểm dịch tễ học.
4. Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh nhân không thuộc nhóm nguy cơ cao nên được điều trị triệu chứng như giảm ho, giảm sốt..., và người bệnh nên ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng.
Bệnh nhân nên tự theo dõi để phát hiện xem tình trạng sức khỏe có diễn biến xấu đi không. Nếu tình trạng nặng hơn cần nhập viện để được thăm khám và chăm sóc y tế. Những bệnh nhân nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc phức tạp thì cần nhập viện để được chăm sóc và điều trị.
Để chủ động phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm, đặc biệt với nhóm nguy cơ.