Trong nhịp sống hối hả, tưởng như con người hiện đại bị mắc kẹt trong vòng xoáy của những lo toan cá nhân, cơm áo gạo tiền, nhưng nhìn rộng ra xung quanh, giá trị vĩnh cửu của tình người, sự tận hiến và đức hi sinh vẫn luôn lấp lánh, tỏa sáng giữa đời thường. Ngày càng có nhiều nghĩa cử hiến tạng cứu người chính là minh chứng rõ nhất cho tình người, sự sẻ chia cao cả, không ngừng lan tỏa đi thông điệp ý nghĩa “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” và truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
“Cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp”
Chính tinh thần từ bi của nhà Phật là điều thôi thúc bà Nguyễn Thị Nhận và ông Dương Quang Đông (phường Trưng Vương, TP Uông Bí) quyết định hiến tạng của con trai mình là anh Dương Minh Đức (SN 1988) để cứu được những sinh mạng khác. Không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, vụ tai nạn đã khiến anh Đức bị chấn thương sọ não rất nặng, rơi vào tình trạng chết não. Thắp nén tâm nhang thành kính, chúng tôi thầm gửi đến anh lời tri ân sâu sắc từ tận đáy lòng, bởi những điều tốt đẹp, tử tế anh đã trao gửi lại cho cuộc sống.
Lật giở lại từng bức ảnh của con trai, bà Nhận xúc động kể lại với chúng tôi: Con trai tôi là một thanh niên hoạt bát, năng nổ, thích tham gia các hoạt động xã hội. Đức đã từng học ở bên Nhật nên khi về nước, đã được làm công tác quản lý một bộ phận của công ty Nhật ở khu công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên). Tại công ty, con trai tôi thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, làm dẫn chương trình bởi có thể nói và hát tiếng Nhật rất giỏi. Đặc biệt, Đức rất thích và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
Nhìn lại những hình ảnh đẹp của con, bà Nhận càng xót xa, nghẹn ngào khi giây phút bi thương đến với gia đình không hẹn trước. Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, một con người khỏe mạnh, đẹp đẽ đã không thể tỉnh dậy. “Sáng ngày 31/3/2024, con bị tai nạn, khi đưa vào viện đã rất nặng, hơi thở, nhịp tim của con chỉ được duy trì nhờ vào máy móc y tế. Dù trái tim tan nát, tôi vẫn luôn “cầu trời, khấn Phật” để con có thể khỏe lại nhưng may mắn không mỉm cười với gia đình. Cứ 2 tiếng, rồi 6 tiếng, bác sĩ lại thông báo tình trạng của con càng ngày càng xấu đi. Sau 3 lần hội chẩn đánh giá, bác sĩ thông báo con tôi bị chết não”- bà Nhận thổn thức.
Ông Đông, bà Nhận cũng giống như biết bao người cha, người mẹ khác sống cả một đời vô tư, thuần phác, chẳng bao giờ nghĩ tới cảnh một ngày đầu bạc tiễn đầu xanh đau thương như vậy. Giữa muôn vàn đau đớn, xót xa đến tột cùng khi chứng kiến con trai ra đi, ông bà đã quyết định làm một việc dũng cảm, phi thường khi quyết định sẽ hiến tạng của con để cứu sống những người khác. Là người hiểu biết, từng tham gia nhiều hoạt động xã hội, hướng thiện, am hiểu đạo Phật và tin sâu vào nhân quả, bà Nhận hiểu rằng hiến tạng là nghĩa cử cao cả, thiện lành. Bà tin con trai sẽ hiểu và ủng hộ quyết định này của mình.
Bà Nhận bùi ngùi: Lần đầu tiên tôi biết tới nghĩa cử hiến tạng sau khi qua đời để cứu người là từ câu chuyện của bé Hải An 7 tuổi. Trước khi qua đời vì bệnh ung thư, cháu đã đồng ý hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho người khác. Khi gia đình tôi cũng rơi vào hoàn cảnh đó, vợ chồng tôi nghĩ rằng, khi chết đi là trở về với cát bụi, nhưng cho đi là còn mãi. Với mọi người, con tôi đã mất nhưng với tôi, con vẫn còn hiện diện trên đời này. Bởi tôi vẫn còn cơ hội được nghe thấy tiếng trái tim con đập, nhìn thấy con qua hình hài của người khác. Đó phần nào cũng là niềm an ủi cho nỗi mất mát của gia đình tôi.
Sau khi được gia đình đồng ý, ca đại phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm ngày 1 đến rạng sáng 2/4, với sự tham gia của 120 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam. Các tạng được hiến gồm: Tim, thùy gan phải, thùy gan trái, thận phải, thận trái, giác mạc phải, giác mạc trái và được các chuyên gia bảo quản bằng thiết bị chuyên dụng. Ngay khi lấy xong, nguồn tạng trên được điều phối, khẩn trương vận chuyển và tiến hành ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đã có 7 người mắc bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống nhờ tạng của anh Đức hiến.
Mỗi con người đều có một lựa chọn riêng cho cuộc sống của mình nhưng ai cũng có chung mong muốn được sống một cuộc đời có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.Những người hiến tạng đã ra đi, nhưng trái tim của họ vẫn đập, đôi mắt của họ ngày ngày vẫn ngắm nhìn cuộc sống. Sự sống của họ vẫn đang hiện hữu, tiếp nối trong một cơ thể khác và tiếp tục gieo vào cuộc đời những “hạt giống” hiến dâng, yêu thương, sẻ chia của tình người cao cả.
Hồi sinh nhiều cuộc đời
Anh Dương Minh Đức là một trong số ít những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến những bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của anh, dù nỗi nhớ thương tột cùng, niềm đau quặn thắt, nhưng niềm an ủi lớn nhất với họ là được thấy bóng dáng người thân của mình còn được hiện hữu trên cuộc đời.
Trong 7 người được nhận tạng do anh Đức hiến có một cháu bé là người Quảng Ninh. Đó là cháu Nguyễn Thanh Tùng (11 tuổi, phường Đại Yên, TP Hạ Long) được nhận 1 quả thận từ anh Đức. Theo lời kể của gia đình, vốn là một cháu bé khỏe mạnh nhưng khi đi khám bệnh tổng quát thì Tùng được phát hiện bị suy thận nặng và phải chuyển tuyến lên bệnh viện ở Hà Nội điều trị. Sau khi làm các xét nghiệm, cháu Tùng được phát hiện bị bệnh thận bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc thể. Trong khi chờ nguồn thận được ghép thì cháu Tùng còn bị suy tim độ 2, nguy cơ tử vong rất cao. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi gia đình cháu Tùng nhận được tin có người hiến thận phù hợp có thể ghép cho cháu.
Chị Phạm Thị Bích Thảo mẹ của Tùng đã không giấu nổi xúc động: Con tôi như được sinh ra thêm lần nữa khi được nhận thận hiến tặng và may mắn hơn khi thận ghép vào cơ thể cháu thích ứng rất tốt. Đến nay, sức khỏe con tôi đã hồi phục, tiến triển tốt và tiếp tục được các bác sĩ thăm khám, theo dõi. Chẳng từ ngữ nào có thể bày tỏ hết sự biết ơn, tri ân sâu sắc của gia đình tôi với anh Đức và gia đình bác Đông, bác Nhận. Cũng là một người mẹ, tôi thấu cảm quyết định hiến tạng con trai mình để cứu người là nghĩa cử cao cả nhưng cũng đầy khó khăn mà không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể dũng cảm làm được. Sự hy sinh đó của gia đình anh Đức đã mang cuộc sống trở lại cho gia đình tôi và nhiều gia đình khác, khi được đón những người thân yêu của mình trở về từ hoàn cảnh "thập tử nhất sinh".
Gia đình ông Đông, bà Nhận là trường hợp đầu tiên hiến tạng con trai mình tại Quảng Ninh. Tiến sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc tổ chức triển khai lấy tạng ngay tại đơn vị. Bệnh viện đang xây dựng 7 mũi nhọn trong khám và điều trị, bao gồm ghép tạng, đồng thời tổ chức cho 40 y, bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đi học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để có thể triển khai ghép tạng ngay tại tỉnh.
Theo PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đây là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng từ tuyến huyện, tỉnh. Nếu mô hình này được triển khai thành công, nguồn tạng sẽ được mở rộng hơn, giúp thêm nhiều bệnh nhân sống sót.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Riêng tại Quảng Ninh, tính đến tháng 3/2024, số bệnh nhân hiện đang chạy thận nhân tạo có chỉ định ghép thận là 404 bệnh nhân.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, khái niệm về hiến tạng vẫn còn nặng nề trong nhận thức nhiều người dân nên công tác tuyên truyền, vận động luôn là mấu chốt để thay đổi nhận thức. Cùng với đó, từ tháng 7/2023, Sở Y tế đã phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức các chương trình đào tạo tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng. Trước đó, từ năm 2019, Sở đã ban hành Quyết định thành lập tổ Tư vấn hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Đây cũng là đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin và phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trong công tác hiến, ghép mô, tạng.
Đặc biệt, tháng 11/2023, ngành Y tế Quảng Ninh phối hợp cùng Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức Ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Quảng Ninh với thông điệp “Cho đi là còn mãi” đã có 200 đơn tình nguyện tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não. Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Hằng ngày làm việc ở bệnh viện, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối cần phải ghép tim mới có thể tiếp tục sống. Chính vì vậy, khi tham gia Ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng, tôi đã đăng ký hiến tạng. Tôi cũng mong muốn nhiều người hiểu được việc làm nhân văn này để tham gia hiến tạng, cứu giúp những cuộc đời khác”.
Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học hiện đại, mà hơn cả là xuất phát từ tâm hồn, trái tim nhân hậu, lòng quả cảm của những người đã sẵn sàng vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình và bệnh nhân khác bởi với họ “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”...
Nguồn:https://baoquangninh.vn/hien-tang-cuu-nguoi-cho-di-la-con-mai-3298907.html Copy link