Tăng cường phòng bệnh cho trẻ từ việc tiêm chủng
Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, tâm lý của các gia đình thường e ngại cho con tiêm phòng các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này có nguy cơ khiến một số dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Trước tình hình đó, các đơn vị chức năng, nhất là ngành y tế Quảng Ninh đã nỗ lực để nâng tỷ lệ tiêm cho trẻ.
Điều thuận lợi là phần mềm tiêm chủng mở rộng được triển khai khá bài bản trên địa bàn, giúp các trạm y tế, cơ sở tiêm chủng nắm được số lượng trẻ cần phải tiêm, từ đó có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ vật tư bơm kim tiêm, kinh phí triển khai, số vắc xin, bố trí nhân lực... Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, có hơn 25.900 trẻ được cập nhật vào phần mềm tiêm chủng mở rộng. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ cũng tích cực cung cấp thông tin tham gia chương trình, nên việc nhắn tin nhắc lịch tiêm cho trẻ được thực hiện tốt. Riêng năm 2021 có 25.827 bà mẹ tham gia dịch vụ phần mềm tiêm chủng nhắn tin nhắc lịch tiêm.
Cùng với đó, các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và chính quyền địa phương trong việc triển khai các chiến dịch tiêm, uống vắc xin, trong vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về tiêm chủng mở rộng cho trẻ.
Về phía ngành y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường rà soát và tổng hợp đối tượng tiêm chưa đủ mũi hoặc chưa tiêm chủng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung theo định kỳ hàng quý đảm bảo tiến độ, kế hoạch, chỉ tiêu; cung ứng vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn, trang thiết bị vật tư, dây chuyền lạnh cho tuyến huyện; tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về chuyên môn kỹ thuật, quy trình tiêm và quản lý chương trình. Từ năm 2021 đến nay, CDC Quảng Ninh đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho 75 cán bộ y tế cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cán bộ y tế thuộc các trung tâm y tế, bệnh viện; 14 lớp an toàn tiêm chủng trong tiêm phòng Covid-19 cho 4.500 cán bộ y tế xã, phường, bệnh viện, trung tâm y tế. Năm 2021, ngành đã cấp 3.196 hộp an toàn cho tuyến huyện.
Nhờ đó, quy trình tiêm chủng được thực hiện ở các điểm tiêm khá bài bản, đảm bảo trẻ tiêm đủ mũi và miễn dịch phòng bệnh, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Tất cả các trạm, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn đều có dây chuyền bảo quản vắc xin. Việc vận chuyển, bảo quản vắc xin luôn được thực hiện cẩn trọng. Cán bộ, nhân viên tham gia tiêm chủng đều được cấp chứng chỉ. Các điểm tiêm bố trí phòng tư vấn, khám sàng lọc; phòng tiêm; phòng theo dõi sau tiêm.
Công tác triển khai tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu tại các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Hoạt động nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng tại các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo thực hiện theo đúng các thông tư, quyết định của Bộ Y tế. Kết quả tiêm chủng hầu hết đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề tra. Cụ thể số trẻ dưới 1 tuổi tiêm phòng đủ 8 loại vắc xin năm 2021 đạt tỷ lệ 95,32%, trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt 88,55%, trẻ tiêm vắc xin viêm gan B 24h đầu sau sinh đạt 84,2%, phụ nữ mang thai được tiêm từ 2 liều vắc xin uốn ván trở lên đạt 84,07%...
Bên cạnh đó, CDC Quảng Ninh cũng tăng cường hệ thống giám sát một số bệnh truyền nhiễm đã thực hiện tiêm phòng, nhằm kịp thời phát hiện vùng có nguy cơ cao, từ đó đề ra kế hoạch bổ sung tiêm đầy đủ, kịp thời; đặc biệt giám sát, lồng ghép triển khai với giám sát dựa vào sự kiện như các trường hợp ho gà, sốt phát ban dạng sởi, liệt mềm cấp... Năm 2021, CDC Quảng Ninh đã giám sát 31 ca sốt phát ban nghi sởi, 4 ca liệt mềm cấp, 3 ca ho gà, 2 ca viêm não vi rút... Việc giám sát phản ứng sau tiêm chủng được tăng cường. Qua đó cho thấy, phần lớn các trường hợp chỉ phản ứng thông thường như: Sốt, sưng đau tại chỗ tiêm.
Được biết, số người mắc Covid-19 trong những tháng đầu năm 2022 khá cao, trong đó có cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, bà mẹ... Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ và chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng. Do đó, thời gian tới, ngành y tế và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chương trình tiêm chủng mở rộng, tạo tâm lý an tâm cho các gia đình; từ đó nâng cao hơn tỷ lệ trẻ được tiêm phòng để bảo vệ tốt cho trẻ sau cũng như tạo miễn dịch trong cộng đồng trước nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm.