Thực hiện bình đẳng giới là quyền và trách nhiệm của mỗi thành viên, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện KHHGĐ là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
Luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ bình đẳng với nhau trong lĩnh vực y tế, trong tham gia các hoạt động truyền thông về sức khỏe, sức khỏe sinh sản (SKSS), trong lựa chọn các biện pháp tránh thai, các biện pháp an toàn tình dục… Thực hiện bình đẳng giới là vợ, chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ một cách công bằng, như quyền quyết định khoảng cách sinh, KHHGĐ, chăm sóc nuôi dạy con cái... trên cơ sở chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh là 111,12 bé trai/100 bé gái, đạt kế hoạch đề ra. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng trở lại do tư tưởng thích sinh con trai hơn con gái vẫn còn tồn tại. Tại một số địa phương tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn nặng nề, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là rào cản lớn để thực hiện công tác bình đẳng giới đối với công tác DS-KHHGĐ.
Vì thế các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả thông qua nhiều hình thức. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Thông qua tuyên truyền, vận động, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo... Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia; hình thức truyền thông được đổi mới.
Các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa - văn nghệ; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các CLB: "Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh", "Giới và bình đẳng giới"... Đặc biệt mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai ở 177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tập trung thay đổi nhận thức của người dân về giới tính; công tác truyền thông được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên (phường Trưng Vương, TP Uông Bí) chia sẻ: “Vợ chồng tôi hiện có 2 con gái, cũng không muốn sinh thêm, nên đã sử dụng biện pháp tránh thai là dùng bao cao su. Chồng tôi cũng quan điểm con gái hay con trai thì đều quý như nhau, nên rất ủng hộ việc thực hiện KHHGĐ để không mang thai ngoài ý muốn”.
Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, chúng ta cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; chú trọng đẩy mạnh về giới trong nhà trường để giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới, giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này. Cùng với đó, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ để từng bước thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội.
Nguồn:https://baoquangninh.vn/binh-dang-gioi-trong-cong-tac-dan-so-3245239.html Copy link