SKĐS - Số mắc COVID-19 trong tuần tăng 30%; Hiện các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.12.1... có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn đã được ghi nhận trong nước; Việc tiêm vaccine COVID-19 hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Số mắc COVID-19 trong tuần tăng 30%
Bộ Y tế cho biết ngày 28/7 có gần 1.700 ca COVID-19; số khỏi bệnh là 6.877 ca, gấp 4 lần số ca mới; Trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.774.679 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.695 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người nhiễm COVID-19 đã khỏi: 9.888.468 ca; Trong số các bệnh nhân đang điều trị và giám sát có 31 trường hợp đang thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 27 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca. Số ca nặng này giảm so với ngày trước đó (35 trường hợp).
Theo Bộ Y tế trong 1 tháng qua (từ ngày 28/6 đến nay), cả nước ghi nhận 28.895 ca mắc COVID-19, có 8 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,03%). So với tháng trước, trong tháng này số mắc tăng 4,2%; Số ca nặng giảm 7,% và số tử vong tăng 2 ca.
Việc tiêm vaccine COVID-19 hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 và Công văn số 4707/VPCP-KGVX ngày 27/7/2022, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn tiêm chủng vaccine COVID 19 và Công văn số 3896/BYT-DP ngày 22/7/2022 về tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
4% bệnh nhân chưa hồi phục khứu giác và 2% chưa hồi phục vị giác sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 578,8 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Nhật Bản đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca mắc gần đây với tổng số ca mắc mới trong nước vượt 200.000 ca ngày 27/7. Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/7 cho biết Nhật Bản có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới trong tuần tính đến ngày 24/7 với hơn 969.000 ca, sau đó là Mỹ với 860.000 ca và Đức với 570.000 ca. Nhật Bản đang đối diện với làn sóng dịch thứ 7, do biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ của Hiệp hội Y khoa Anh, các nhà nghiên cứu cho biết 4% bệnh nhân chưa hồi phục khứu giác và 2% chưa hồi phục vị giác sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19. Các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng mất khứu giác có thể tồn tại dai dẳng ở 5,6% số bệnh nhân, trong khi 4,4% có thể hoàn toàn không lấy lại được vị giác.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ ít có khả năng phục hồi các giác quan này hơn so với nam giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết bệnh nhân sẽ lấy lại khứu giác và vị giác trong 3 tháng đầu tiên sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người có thể bị rối loạn khứu giác và vị giác kéo dài. Những người này cần được kịp thời phát hiện, điều trị và theo dõi lâu dài.