Tự kỷ là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Xuất phát từ thực tế chứng tự kỷ ở trẻ ngày càng gia tăng, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các phương pháp can thiệp hỗ trợ điều trị cho trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ.
.
Rối loạn tự kỷ là một khuyết tật khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ. Những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ mắc tự kỷ trước 24 tháng tuổi mà bố mẹ có thể quan sát thấy như: Không bập bẹ khi 12 tháng tuổi; không biết ra hiệu: Chỉ tay, vẫy tay, bắt tay… khi 12 tháng tuổi; không nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; không tự nói câu hai từ khi 24 tháng tuổi (không tính việc trẻ lặp lại lời nói); mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ sẽ được khám sàng lọc, đánh giá thông qua bộ công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ em (Denver II: Cá nhân xã hội, vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ), bảng hỏi sàng lọc nguy cơ tự kỷ (M-CHAT) (trẻ 16-30 tháng), chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ theo tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ DSM-V, mức độ tự kỷ CARS. Trên cơ sở biểu hiện của từng trẻ mà các bác sĩ sẽ xây dựng chương trình can thiệp riêng cho từng nhóm trẻ hoặc từng cá nhân cụ thể trên nguyên tắc sớm, ngay khi nghi ngờ mà không đợi chẩn đoán xác định.
Bác sĩ Nguyễn Thị Như Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: “Tự kỷ là rối loạn mạn tính, không khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên khi được can thiệp, đặc biệt can thiệp sớm trong “giai đoạn vàng” trước 3 tuổi thì sẽ cải thiện rõ rệt các khiếm khuyết của trẻ, vì não bộ trẻ đến 3 tuổi đã hoàn thiện 90%”.
Các phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ hiện đã được triển khai tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, như: Can thiệp tác động lên hành vi ABA (dạy trẻ kỹ năng, hành vi mới); PECS (phát triển giao tiếp chức năng nhanh, lời nói); can thiệp bằng thuốc an thần giảm hành vi thách thức và can thiệp khác, như: Điều hòa cảm giác, tâm vận động, dạy kỹ năng xã hội… Can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý, giáo dục mang lại những thay đổi rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hoà nhập xã hội cho trẻ.
Anh Trần Xuân Đông (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) có con 5 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: “Khi cháu hơn 2 tuổi, gia đình tôi phát hiện cháu không nói được nhiều từ, nói ngọng, mải chơi, không tập trung. Điều trị tại bệnh viện, tôi thấy cháu có tiến triển tốt, nói được nhiều hơn, biết giao tiếp với mọi người, không né tránh”.
Việc phát hiện sớm những dấu hiệu rối loạn tự kỷ có ý nghĩa rất lớn trong việc chuẩn bị hướng can thiệp, điều trị tâm lý cho trẻ đạt hiệu quả tốt, tránh các nguy cơ chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ, kỹ năng và khuyết tật sau này cho trẻ. Cha mẹ và những người trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị rối loạn tự kỷ thông qua việc quan sát và nhận biết qua thái độ, hành vi của trẻ trong sinh hoạt hằng ngày.
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phó trưởng Khoa Nội, phụ trách Đơn nguyên tâm bệnh, Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Biểu hiện rối loạn tự kỷ ở trẻ rất đa dạng từ không tập trung khi người xung quanh nói chuyện với trẻ đến cáu gắt và cô lập bản thân trong môi trường quen thuộc. Trẻ tự kỷ cũng có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, vấn đề về tiêu hoá, thường xuyên lo lắng và bồn chồn…”.
Mục tiêu chính của can thiệp, điều trị rối loạn tự kỷ là hạn chế tối đa các khuyết tật, tăng cường hoạt động chức năng chủ động và chất lượng cuộc sống của trẻ, qua đó làm giảm bớt gánh nặng và căng thẳng trong gia đình, tạo điều kiện học tập và phát triển.
Để trẻ rối loạn tự kỷ có thể từng bước hòa nhập cộng đồng, theo các bác sĩ, bên cạnh các phương pháp can thiệp và sự hỗ trợ của bác sĩ, điều dưỡng thì sự quan tâm, yêu thương, nỗ lực từ phía gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ, giúp trẻ có thể học tập, hòa nhập, phát triển những khả năng tốt hơn.