Chuyên gia lưu ý cách sử dụng thuốc Tamiflu chữa cúm
(Chinhphu.vn) – Tamiflu là thuốc được sử dụng phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc có thể không gây tác dụng phụ, nhưng nếu không sử dụng đúng liều, đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và làm mất khả năng điều trị cúm khi tiến triển nặng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/HM
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại Trung tâm đang tiếp nhận 10-20 bệnh nhân cúm, chủ yếu là bệnh nhân nặng, có dấu hiệu suy hô hấp, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và trên những cơ địa đặc biệt, trong đó có những bệnh nhân đang điều trị ở các khoa khác nhưng phát hiện cúm và được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân mắc cúm năm nay gia tăng đột biến là do thời điểm hiện tại, thời tiết đang mùa đông xuân, nhiệt độ thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển, cũng như các bệnh khác lây qua đường hô hấp khác như: COVID, sởi, thuỷ đậu, quai bị, não mô cầu…
Các ca mắc cúm hiện nay chủ yếu vẫn là cúm mùa (cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B), không ghi nhận các chủng cúm lạ, cũng như không ghi nhận ca cúm lây từ động vật sang người (cúm A/H5N1).
Mua và dự trữ Tamiflu?
Thưa ông, hiện nay có tình trạng, người dân tự ý "đổ xô" đi tìm kiếm, mua và dự trữ thuốc Tamiflu để uống dự phòng bệnh cúm. Ông có nhận định như nào về hiện tượng này?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị bệnh cúm cũng như có chỉ định sử dụng thuốc Tamiflu đối với những bệnh nhân có biến chứng nặng, suy hô hấp nặng hoặc trên những bệnh nhân có nguy cơ như người già, trẻ em, người có thai, người có bệnh nền…
Vì vậy, Tamiflu là thuốc kháng virus phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi. Người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu, nếu dùng không theo chỉ định, liều lượng và có sự theo dõi của bác sĩ, người bệnh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Hiện nay, thuốc Tamiflu vẫn có sẵn ở các bệnh viện, chưa có hiện tượng khan hiếm hay khó tiếp cận thuốc này.
Người dân không nên quá hoang mang. Nếu có dấu hiệu của bệnh cúm thì nên đi xét nghiệm cúm. Khi đó tuỳ trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị. Vì vậy, người dân không nhất thiết phải tự mua và uống dự phòng Tamiflu.
PGS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Ảnh: VGP/HM
Nếu lạm dụng thuốc Tamiflu, ngoài tình trạng kháng thuốc thì có gây hại cho gan, thận không, thưa bác sĩ?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Thuốc Tamiflu tương đối lành, không gây nguy hiểm cho gan, thận ngay lập tức, tuy nhiên Tamiflu là thuốc điều trị có chỉ định của bác sĩ, đây cũng là thuốc điều trị theo liều tỷ lệ với trọng lượng cơ thể và tuổi của người bệnh. Người lớn, trẻ nhỏ phải dùng khác nhau về liều lượng cũng như thời điểm người bệnh cần sử dụng Tamiflu khác nhau.
Nếu dùng tràn lan rất dễ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, nếu bệnh nhân mắc lại bệnh, sẽ không có thuốc thay thế để sử dụng.
Trường hợp nào mắc cúm dễ tiến triển nặng?
Bệnh nhân cúm cần được theo dõi như nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Người bệnh cần phân biệt bệnh cúm (do virus cúm gây ra) với cảm cúm và cảm cúm thông thường (do bị nhiễm lạnh). Triệu chứng của bệnh cúm gồm ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sổ mũi, sốt, nếu tiến triển nặng, bệnh gây khó thở, một số bệnh nhân bị suy hô hấp, phổi tổn thương.
Những triệu chứng này rất dễ nhận biết. Bệnh này cũng dễ chẩn đoán thông qua test nhanh, không nhầm với bệnh khác được.
Đối với những thanh niên khoẻ mạnh nếu mắc cúm thì không đáng lo ngại, khoảng 4-5 ngày, bệnh sẽ khỏi. Người bệnh có thể điều trị triệu chứng tại nhà như uống hạ sốt, giảm ho… Nếu có triệu chứng khó thở, nhịp thở tăng lên thì cần đưa đến bệnh viện. Người bệnh cũng có thể mua máy đo bão hoà oxy kẹp đầu ngón tay (nếu dưới 95% là trường hợp nặng) thì cần đến bệnh viện.
Ở trẻ nhỏ, nếu có các triệu chứng của bệnh cúm như bỏ bú, sốt cao, nôn, dùng hạ sốt không đỡ, thở nhanh hoặc khó thở và người già khi mắc cúm có triệu chứng: sốt cao, khó thở, mệt, li bì,.. thì cần phải nhập viện theo dõi.
Đặc biệt, người dân không nên tìm các phương pháp điều trị cúm trên mạng, dễ dẫn tới phương pháp điều trị không đúng, gây ảnh hưởng sức khoẻ có thể nặng thêm.
Đặc biệt, không phải tất cả các trường hợp mắc cúm đều dẫn tới bệnh nặng, vì vậy, người dân không quá hoang mang. Khi mắc bệnh, hãy đi khám để các bác sĩ tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Có nhiều ca bệnh do cơ thể có sức đề kháng tốt, chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống bổ sung, sau vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi.
Số bệnh nhân mắc cúm đang gia tăng khi nhiệt độ thời tiết lạnh - Ảnh: VGP/HM