A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số

Ngày 20/2, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
 

Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết số 05, Nghị quyết 09 gắn với Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đạt được nhiều kết quả. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được quan tâm. Nhiệm vụ chuyển đổi số đạt được một số kết quả như nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức. Thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu, số hóa giải quyết thủ tục hành chính, khai thác thông tin dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư. Dự báo kết quả năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 của tỉnh, đóng góp mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 10,28%.

Cho ý kiến nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong năm 2022, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rất quyết liệt về thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số… HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 4/11/2022 về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Qua đó, đã tạo được những chuyển động tích cực trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số của tỉnh, tạo được niềm tin và sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận một số nội dung còn chưa tổng thể, đồng bộ và còn chậm so với yêu cầu đề ra như dữ liệu và sự kết nối chia sẻ dùng chung. Một số nơi còn nặng về tư tưởng đầu tư; việc thực hiện chuyển đổi số chưa thực sự tập trung vào việc thay đổi căn bản cách thức hoạt động của tất cả các cơ quan trong hệ thống, của mọi cán bộ công chức, viên chức và người dân trên nền tảng ứng dụng các giải pháp công nghệ và nền tảng số. Một số lĩnh vực khá chậm như du lịch, thương mại… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa toàn diện và tổ chức chưa quyết liệt, nhất là từ người đứng đầu ở một số huyện, sở, ngành, chưa thực sự nhận thức được tính cấp thiết, ý nghĩa của nội dung này.

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách có hệ thống và là quá trình đổi mới, sáng tạo dựa trên dữ liệu và kết nối, dựa trên nguyên tắc tổng thể và toàn diện, đột phá và đồng bộ, chính chủ và lãnh đạo phải đi đầu, vì vậy thời gian tới, phải tập trung giải quyết, nhất là vấn đề liên quan tới con người, thể chế, công nghệ. Trong năm 2023 phải phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, hải quan, thương mại, kế hoạch, tài chính, văn hóa, thể thao. Phải tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số ở các địa bàn cấp huyện, cấp xã; tập trung khắc phục những bất cập trong thực hiện các thủ tục sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, không để người dân phải phát sinh thêm thời gian, đi lại; cần có bộ công cụ đánh giá chính xác tốc độ thực hiện chuyển đổi số của địa phương, đơn vị và được công khai để các cơ quan quản lý và nhân dân theo dõi, giám sát.

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu từng ngành, địa phương, đơn vị phải rà soát ngay công việc, mục tiêu, chỉ tiêu có thể làm được ngay và gắn với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023; xây dựng những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu được thực hiện đúng và trúng.                                  

Nghe và cho ý kiến về Kế hoạch kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch phải bám sát các nghị quyết để đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là những điểm mới, nổi bật trên các lĩnh vực để rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cụ thể, trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh đã xây dựng đội ngũ cán bộ gắn tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đảm bảo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, năng lực quản trị địa phương của Đảng bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong điều kiện mới; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém, khuyết điểm qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã chỉ ra. Trong lĩnh vực kinh tế, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển; tạo ra đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, đảm bảo tính liên thông, tổng thể. Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, Quảng Ninh đã đồng bộ hóa giữa đề án phát triển KT-XH với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Quảng Ninh có bước phát triển mới của mô hình tổ chức không gian lãnh thổ là “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá và 3 vùng động lực”. Nhờ những điểm mới, đột phá, nổi bật từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã góp phần giúp Quảng Ninh vẫn giữ được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, giữ được đà tăng trưởng kinh tế trên 2 con số; hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học và hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu Kế hoạch kiểm điểm phải dự báo sát, đúng trúng tình hình trong thời gian tới, phát hiện những vấn đề mới, thời cơ, khó khăn, thách thức để tiếp tục có giải pháp thực hiện. Cùng với số liệu cơ sở, cần kết hợp với dữ liệu thống kê khoa học hàng năm và nguồn dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá hàng năm.

Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc kiểm điểm giữa nhiệm kỳ phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; thông qua kiểm điểm nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối Đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm giữa nhiệm kỳ phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.

 

Nguồn:https://baoquangninh.vn/tao-ra-chuyen-bien-manh-me-hon-nua-trong-chuyen-doi-so-3227457.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 20
Hôm nay : 18
Tháng 12 : 106.354