Ứng dụng AI, Big Data để tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký thuốc
(Chinhphu.vn) – Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ngành y sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký thuốc.
Sẽ ứng dụng AI, Big Data để tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký thuốc
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cuộc cách mạng công nghệ đang mở ra nhiều cơ hội quý giá cho ngành y, từ cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu quả chẩn đoán, điều trị, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận thuốc, đến những trải nghiệm và sự hài lòng của người bệnh.
Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cơ sở để ngành y tiến hành đột phá về đổi mới tư duy, đẩy mạnh quyết tâm phát triển y tế số, đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đóng góp vào công cuộc đưa nước ta phát triển hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kết quả giải quyết các hồ sơ đăng ký thuốc
Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, công khai minh bạch hoá quy trình trong lĩnh vực dược – nơi "đầu nguồn" cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên cả nước, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng cho biết, đến nay, 100% hồ sơ đăng ký thuốc đã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống trực tuyến, doanh nghiệp không phải chờ nộp hồ sơ bản giấy tại bộ phận một cửa.
Kết quả giải quyết các số hồ sơ đăng ký thuốc rất khả quan, phê duyệt trực tuyến tăng cao từng năm.
Đặc biệt, các thao tác thủ công trước đây đã được thiết lập tự động hóa như: tất cả hồ sơ được lưu giữ và tác nghiệp đã tập trung trên hệ thống trực tuyến; biên bản được thiết lập tự động cho từng hồ sơ ngay sau khi rà soát đạt chuyển thẩm định; hệ thống tự động chuyển trả chuyên gia, nếu phát hiện có ý kiến khác nhau; thẩm định đồng thời tất cả các tiểu ban; hệ thống tạo công văn tự động trên cơ sở ý kiến do chuyên gia đề xuất; mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng thuốc đã được công bố trên hệ thống trực tuyến; thông tin phê duyệt giấy đăng ký lưu hành được cập nhật liên tục trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến ngay sau mỗi lần phê duyệt thay đổi bổ sung hoặc đính chính tại Hệ thống dịch vụ công của Cục Quản lý Dược.
Nhu cầu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế rất lớn - Ảnh: VGP/HM
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, từ tháng 7/2023, Cục này đã tiếp nhận và giải quyết tất cả các thủ tục liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc trực tuyến. Các thao tác nghiệp vụ của các cán bộ, chuyên viên hoàn toàn được thực hiện trên môi trường điện tử, từ khâu tiếp nhận, phân loại, rà soát xử lý đến thẩm định hồ sơ của các tiểu ban chuyên môn.
Trước đây, mỗi hồ sơ phải mất rất nhiều thời gian sắp xếp, phân loại thủ công và vận chuyển đến các đơn vị khác nhau ở Hà Nội và TPHCM, gây khó khăn trong truy xuất tình trạng xử lý hoặc nguy cơ thất lạc hồ sơ.
Tuy nhiên, từ khi triển khai hệ thống trực tuyến, hồ sơ đăng ký thuốc đã được giảm thiểu rất nhiều các bước hành chính trung gian như sắp xếp, phân loại và vận chuyển hồ sơ. Các tiểu ban chuyên môn có thể đồng thời thẩm định, không phụ thuộc tiến độ thẩm định của các tiểu ban khác.
Khi có kết quả đánh giá của hội đồng, Cục Quản lý Dược sẽ ra quyết định cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành, công bố nguyên liệu, mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và tiêu chuẩn chất lượng thuốc, đều được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Theo Cục Quản lý Dược, trong 11 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã cấp, gia hạn cho hơn 12.300 thuốc, gần bằng tổng số lượng thuốc đã được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong 5 năm gần đây cộng lại (năm 2019 gia hạn 3.695 thuốc; năm 2020 là 1.341 thuốc; năm 2021 là 1.230 thuốc; năm 2022 là 2.721 và năm 2023 là 4.592 thuốc).
Nhận diện khó khăn
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, quá trình thực hiện triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực dược vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là số lượng hồ sơ được tiếp nhận ngày càng tăng cao, trong khi nhân lực xử lý hồ sơ chưa được bổ sung kịp thời.
Các thủ tục, quy trình trong lĩnh vực đăng ký thuốc phức tạp, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều bước xử lý. Chuyển đổi tư duy xử lý hồ sơ bản giấy sang tác nghiệp trên môi trường điện tử cũng đòi hỏi sự nỗ lực thay đổi từ nhiều phía. Dữ liệu hồ sơ đăng ký thuốc có dung lượng lớn, dẫn đến phát sinh tăng trưởng rất nhanh về không gian lưu trữ của máy chủ hệ thống trực tuyến.
Nguồn cung thuốc, vật tư đầy đủ, kịp thời sẽ quyết định lớn đến kết quả điều trị bệnh nhân - Ảnh: VGP/HM