SKĐS - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài.
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về phát triển KT-XH. Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phản ánh tâm tư của cử tri ngành y tế, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, một vấn đề được ông Nguyễn Tri Thức quan tâm đó là sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Đại biểu nhấn mạnh, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con, chỉ vì không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.
Bên cạnh đó, trước tình trạng người dân mắc bệnh ung thư gia tăng, nhưng số máy xạ trị mới đáp ứng 60%, đặc biệt Việt Nam chưa có máy xạ trị proton, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xunh quanh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 2 trung tâm điều trị xạ trị bằng proton ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tranh luận với ý kiến của ĐBQH chiều 31/10 liên quan đến cung ứng thuốc, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài. Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong khi đó việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại "vô cùng rối".
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nguyên nhân khách quan do hệ thống văn bản quy định pháp luật liên quan còn nhiều vướng mắc, khó đáp ứng đủ các quy định của nhiều bộ ngành và đưa ra quyết định mua sắm.
Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.
Chính vì vậy, vị đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/viec-dau-thau-mua-sam-thuoc-da-duoc-cai-thien-rat-nhieu-169231101091709123.htm Copy link