Hưởng ứng lễ phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 5/2024, Sở Y tế Quảng Ninh đã phát động trong toàn ngành chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người”, với tinh thần “Cho đi là còn mãi”.
Theo thống kê của Sở Y tế, chỉ trong 4 ngày, từ ngày 28 – 31/5/2024, tất cả 33 đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” tại đơn vị. Đến nay, đã có 1.310 cán bộ, nhân viên ngành Y tế Quảng Ninh tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Đây là sự kiện nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.
Trước đó, ngày 17/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao quyết định thành lập “Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh” và phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” vì mục đích cứu chữa người bệnh và phục vụ nền y học trên địa bàn tỉnh.
Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc... và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao về ghép mô, tạng, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến. Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm.
Tại Quảng Ninh, đầu tháng 4/2024 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã phối hợp thực hiện thành công việc lấy tạng từ người cho chết não, qua đó đã có 7 người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Đây là dấu mốc quan trọng, cho thấy sự nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc tham gia sâu hơn vào mạng lưới hiến, ghép tạng quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu tạng ghép vẫn còn rất lớn. Trung bình 1 ngày trong toàn quốc vẫn còn khoảng 30 người bệnh tử vong do không được thay tạng kịp thời. Tại Quảng Ninh cũng đang có khoảng 1.000 người mắc bệnh suy thận, khoảng 30% đang nằm trong danh sách chờ được ghép thận.
Theo bác sĩ CKII Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi hội trưởng Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh, cho biết: Hiện tại, tất cả các đơn vị y tế trong tỉnh đã tham gia mạng lưới hiến mô, tạng và phát động đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến mô, tạng từ đội ngũ y bác sĩ sẽ lan tỏa trong cộng đồng để thúc đẩy ý thức và hành động hiến tạng cứu người trong mỗi người dân nhằm mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh cần ghép tạng. Trong thời gian tới, ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục là cầu nối để tư vấn cho người dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người.
Hướng dẫn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não:
Theo các quy định hiện hành, công dân đủ 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. Để đăng ký hiến mô tạng, người dân có thể làm theo 2 cách:
Cách thứ 1: Đăng ký theo mẫu đăng ký của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam – Bộ Y tế; Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Bộ Y tế. Người đăng ký điền theo mẫu, gửi tới trung tâm kèm theo 1 ảnh thẻ, 1 bản photo thẻ CCCD/hộ chiếu (không cần công chứng) tới địa chỉ: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia; phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trên bì thư ghi số điện thoại người nhận: 0915060550
Cách thứ 2: Đăng ký trực tuyến theo mã QR trong thư của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi ngành y tế trong ngày phát động của Thủ tướng chính phủ ngày 19/5/2024 thông qua đường link: