A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên ngành tâm thần vất vả, áp lực, nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn

SKĐS - Chuyên ngành Tâm thần là chuyên ngành đặc biệt, bởi đối tượng người bệnh có những đặc điểm khác người bệnh thông thường, đòi hỏi cán bộ y tế vừa cần có chuyên môn tốt, vừa cần có những kỹ năng riêng, trong đó có những kỹ năng mang tính xã hội, thế nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn, áp lực.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (07/06/1963-07/06/2023) diễn ra hôm nay 7/6.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, GS.TS.Trần Văn Thuấn chúc mừng và đánh giá cao những thành tích mà bệnh viện đã đạt được trong 60 năm qua.
Thứ trưởng tin tưởng với vai trò là đơn vị đầu ngành về tâm thần, bệnh viện sẽ làm tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và chỉ đạo chuyên môn cho tuyến dưới, đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành Y tế.

Chuyên ngành tâm thần vất vả, áp lực, nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh: Chuyên ngành Tâm thần là chuyên ngành đặc biệt.
"Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, nhân viên bệnh viện nói riêng và cán bộ y tế chuyên ngành Tâm thần trong cả nước nói chung và mong rằng các đồng chí sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cống hiến, vun đắp cho chuyên ngành Tâm thần ngày càng phát triển"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Tăng cường các chế độ chính sách cho người học tại các chuyên khoa tâm thần
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020" với một số chế độ đãi ngộ nhất định, tuy nhiên sức hút cho những người theo học chuyên ngành tâm thần, cũng như lao/phong/pháp y và chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế. 
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế đã và đang có những giải pháp nhằm tăng cường các chế độ chính sách cho người học tại các chuyên khoa này, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà chuyên ngành đảm nhiệm.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị cấp ủy, lãnh đạo bệnh viện quan tâm triển khai một số hoạt động như: 
Thứ nhất: Tiếp tục giữ vững đoàn kết nội bộ, chủ động, năng động, sáng tạo, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, thử thách để đưa bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 phát triển, luôn xứng đáng với sự tin tưởng của bệnh nhân, người dân và của xã hội và của Bộ Y tế.

Chuyên ngành tâm thần vất vả, áp lực, nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tặng hoa, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã đạt được tại kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bệnh viện.
Thứ hai: Cập nhật, phát triển kỹ thuật chuyên môn cao trong khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng xứng đáng là bệnh viện chuyên khoa tâm thần đầu ngành trong toàn quốc.
Thứ ba: Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp. Tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế
Thứ tư: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý bệnh viện, quản lý bệnh nhân, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến.
Thứ năm: Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đáp ứng sự phát triển của bệnh viện trong thời gian tới.
Thứ sáu: Bệnh viện cần phải nghiêm túc rà soát và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về điều trị đối với người bắt buộc chữa bệnh. Trong thời gian qua có một số vụ việc không hay đã xảy ra đối với đối tượng bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện, vì vậy Bệnh viện cần rút kinh nghiệm sâu sắc và nhất thiết phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Chuyên ngành tâm thần vất vả, áp lực, nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
TS.BS Nguyễn Mạnh Phát, Phó Giám đốc Phụ trách Quản lý và điều hành Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: Bệnh viện được thành lập từ năm 1963 theo Quyết định số 519/BYT-QĐ, trên cơ sở tiếp quản khu điều dưỡng cán bộ miền Nam tập kết, với tên gọi ban đầu là Bệnh viện D. Bệnh viện là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ đứng đầu về chuyên khoa Tâm thần trong cả nước, với chức năng chính là khám, chữa bệnh cho chuyên khoa tâm thần cũng như đào tạo cán bộ cho chuyên ngành, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Hiện quy mô của bệnh viện là 620 giường bệnh; 32 khoa/phòng, 656 cán bộ, viên chức và người lao động.
Về công tác chuyên môn, bệnh viện đã triển khai, thực hiện các kĩ thuật chuyên môn tuyến cao nhất về chuyên khoa tâm thần, nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại được bệnh viện ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị như: thiết bị chụp CT 32 dãy, máy siêu âm 4D, thiết bị chụp X quang số hóa, máy siêu âm Dopler xuyên sọ, thiết bị điện não đồ vi tính, thiết bị thăm dò mạch máu não, máy kích thích từ, điện não.
Về công tác đào tạo, bệnh viện là cơ sở đào tạo, thực hành chuyên khoa tâm thần của nhiều trường đại học, cao đẳng. Bệnh viện đã mở 48 khóa đào tạo Bác sĩ chuyên khoa tâm thần cơ bản với hơn 1.100 học viên; Đào tạo nhiều lớp điều dưỡng chuyên khoa tâm thần; Phối hợp với các trường đại học y thực hiện các lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II tâm thần, mở các lớp đào tạo cho cán bộ y tế tuyến tỉnh thực hiện theo đề án 47 của Bộ Y tế...
Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, bệnh viện chú trọng đẩy mạnh phát triển về số lượng và chất lượng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong các lĩnh vực dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng. Bệnh viện triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hợp tác chuyên gia, hội thảo khoa học về lĩnh vực chuyên khoa tâm thần với nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới.

Chuyên ngành tâm thần vất vả, áp lực, nhưng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ còn nhiều khó khăn - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã từng nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Tâm thần TW 1 phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bệnh viện.
Về công tác chỉ đạo tuyến, bệnh viện triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng theo Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình Phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội cho người tâm thần và trẻ tự kỉ dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Bệnh viện thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người bệnh áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/chuyen-nganh-tam-than-vat-va-ap-luc-nhung-dieu-kien-lam-viec-che-do-dai-ngo-con-nhieu-kho-khan-169230607182837076.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 18
Hôm nay : 2.051
Tháng 12 : 112.707