Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền được nuôi dưỡng và phát triển khỏe mạnh.
Trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025, Bộ Y tế đã đưa ra đánh giá về thực trạng dinh dưỡng tại Việt Nam: tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Tỷ lệ thừa cân/béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành.
Căn cứ vào thực trạng tình hình dinh dưỡng và điều kiện thực tế của địa phương cũng như các định hướng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ngành Y tế Quảng Ninh đã tích cực tham mưu cho tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ như chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình, trường học…
Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023 toàn tỉnh đã thực hiện 1.039 buổi truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; Phát 5.864 tin/bài chuyên mục sức khỏe trẻ em trên loa/đài truyền thanh của xã/phường/thị trấn, thôn/bản; Thực hiện 72 buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và tư vấn trực tiếp về cách chăm sóc trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng các thực phẩm sẵn có tại địa phương. Tính đến năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi thể nhẹ cân đạt 9,8% (Chỉ tiêu Quốc gia là <11%); Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi thể thấp còi đạt <18,1% ( Chỉ tiêu Quốc gia là <18,6%).
Trong tháng 6/2024, toàn tỉnh đã triển khai chiến dịch uống bổ sung thuốc Vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-35 tháng tuổi và cân, đo trẻ dưới 5 tuổi. Kết thúc chiến dịch, tổng số 47.813/48.176 trẻ đã được uống Vitamin A trong chiến dịch, đạt 99,25%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; 94.412/95.346 trẻ dưới 5 tuổi được cân đo (đạt 99,02%), trong đó: Suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ( thể nhẹ cân): 4.742 trẻ (5,02%); Suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi ( thể thấp còi): 5.657 trẻ ( 5,99%); Suy dinh dưỡng cân nặng/chiều cao ( thể gầy còm): 2157 trẻ (2,28%); Thừa cân béo phì 740 trẻ (0,78%).
Một vấn đề quan tâm hàng đầu trong giai đoạn mới là sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thạc sĩ, bác sĩ Lường Thị Xuân, khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm & Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng ta cần đánh giá được thực trạng về chất lượng bữa ăn của trẻ theo từng vùng miền; Đảm bảo về an toàn thực phẩm; Nâng cao được chất lượng bữa ăn và xây dựng được khẩu phần ăn của trẻ để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể trẻ.
Vừa qua, CDC đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ Y tế tuyến huyện, xã cập nhật các kiến thức mới và thực hiện tư vấn cho các bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ thay đổi đa dạng phong phú các thực phẩm, xây dựng thực đơn hàng ngày, theo tuần, tháng, theo mùa các món ăn cho trẻ bằng nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, sẵn có tại địa phương đảm bảo tươi, sạch, an toàn, tiết kiệm chi phí.”
Xác định vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cần được thực hiện từ giai đoạn mang thai, cho con bú đến khi trẻ trưởng thành. Vì vậy, để trẻ được chăm sóc dinh dưỡng và phát triển toàn diện là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội. Trong đó, cha mẹ và gia đình là những người có vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp dinh dưỡng, giáo dục thói quen ăn uống khoa học và theo dõi sự phát triển hàng ngày của trẻ.
Nguồn:https://baoquangninh.vn/day-manh-cham-soc-dinh-duong-huong-toi-phat-trien-toan-dien-tre-em-3308126.html Copy link