A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất hai phương án tăng thuế thuốc lá

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đưa hai phương án giữ thuế suất với thuốc lá 75% như hiện nay nhưng bổ sung thuế tuyệt đối tăng dần qua các năm lên 10.000 đồng một bao vào năm 2030.

 

Tại tọa đàm Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra, chiều 19/11, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính soạn thảo dự kiến trình Quốc hội vào cuối tháng này, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào năm 2026. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án tăng thuế thuốc lá.

Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức thuế 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 đến 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: Năm 2026 khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.

"Chính phủ sẽ trình hai phương án trên lên Quốc hội vào kỳ họp tới ", ông Hải nói, thêm rằng sau khi trình sẽ tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo.

Thuốc lá gây hại cho sức khỏe nên hầu hết các nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Thành Nguyễn

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là một công cụ kinh tế được thiết kế để đánh vào các mặt hàng xa xỉ, các sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường, hoặc có tính chất cần hạn chế tiêu dùng. Thuốc lá gây hại cho sức khỏe của người dân nên hầu hết nước trên thế giới đều áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số 178 nước được khảo sát, có 13 nước (chiếm 7%) không đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá.

Tại Việt Nam, thuốc lá là một trong những mặt hàng chịu thuế TTĐB, với mức thuế hiện tại là 75% giá xuất xưởng. Sau gần 34 năm, thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá được điều chỉnh từ mức thuế suất 50% lên 75%. Trong đó, hai lần điều chỉnh giảm thuế suất vào năm 1988 giảm 5% (từ 70% xuống 65%) và năm 2006 giảm 10% (từ 65% xuống 55%), từ năm 2008 đến nay tăng theo lộ trình.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho hay tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới giảm từ 45% năm 2015 xuống còn gần 39% vào năm 2023. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao trên thế giới, với hơn 15 triệu người sử dụng thuốc lá. Vì vậy, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ khiến giá bán đắt đỏ hơn, từ đó góp phần điều tiết, giảm lượng tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu các căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt bệnh hô hấp, ung thư phổi.

Song, bà Cúc cho rằng việc tăng thuế cần hài hòa, có lộ trình điều chỉnh thuế phù hợp nhằm thực hiện cùng các mục tiêu điều tiết ngân sách nhà nước, ổn định sản xuất kinh doanh, hướng tới sức khỏe cộng đồng, chống buôn lậu. "Thuế TTĐB tăng sẽ tác động trực tiếp lên thuốc lá hợp pháp trong khi thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giảm sản lượng hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi để thuốc lá lậu chen vào", bà nói, dẫn chứng tại Malaysia khi tăng thuế liên tiếp khiến người hút thuốc chuyển từ tiêu thụ các sản phẩm hợp pháp sang thuốc lá lậu có giá cực kỳ thấp. Khi đó, nước này xếp thứ nhất trên thế giới về thuốc lá bất hợp pháp, chiếm khoảng 65% tổng thị trường vào năm 2020.

Còn tại Việt Nam, số liệu công bố từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy thực trạng buôn lậu thuốc lá đáng lo ngại. 10 tháng đầu năm nay, toàn ngành đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, trong đó 800 vụ bị xử lý, 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, cho biết đồng quan điểm về việc cần tăng thuế, song thuế TTĐB tuyệt đối có mức tăng đột ngột như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp thuốc lá. Ngành thuốc lá đóng góp khoảng 26.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2023, tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Vì vậy, ông kiến nghị cần có lộ trình, giãn cách tăng thuế phù hợp để doanh nghiệp thích nghi, chuyển đổi và ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, ông đề xuất áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần: 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.

 
 
 

Nguồn:https://baoquangninh.vn/de-xuat-hai-phuong-an-tang-thue-thuoc-la-3330411.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 25
Hôm nay : 4.314
Tháng 12 : 9.238