An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, bởi có những tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, bên cạnh những nỗ lực trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, mỗi người cũng cần nâng cao nhận thức, có trách nhiệm chung trong đảm bảo VSATTP.
Vừa qua Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ ngày 1 đến 15/3, đoàn giám sát đã đi thực tế tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của 8/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đồng thời làm việc với lãnh đạo các địa phương này để làm rõ một số nội dung liên quan.
Qua khảo sát kết hợp với số liệu báo cáo cho thấy, dù có nhiều biện pháp quản lý về ATTP được tăng cường, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Như tại TP Hạ Long, trong 3 năm (2021-2023) các đoàn chuyên ngành, liên ngành của địa phương đã thực hiện kiểm tra, thanh tra với 7.502/11.076 cơ sở; phát hiện và xử phạt gần 332 cơ sở vi phạm về quy định ATTP. Hay như tại TP Móng Cái, cũng trong 3 năm qua, các ngành chức năng của thành phố tổ chức kiểm tra 2.104 lượt cơ sở, xử lý 184 trường hợp chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện VSATTP.
Trong các ngày từ 11 đến 20/3, lực lượng liên ngành của TX Quảng Yên đã tiến hành kiểm tra về VSATTP tại các cơ sở đứng chân trên địa bàn. Các tổ công tác đã tập trung kiểm tra tại chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, đặc biệt là cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều, gồm: Sản phẩm từ thịt, rau củ, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo.
Kết quả, có 8 cơ sở vi phạm quy định ATTP đã được phát hiện và xử lý theo quy định; bắt buộc tiêu hủy nhiều thực phẩm, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Cùng với việc kiểm tra, công tác tuyên truyền cũng được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định ATTP của các chủ cơ sở, doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy, dù các biện pháp quản lý đã và đang được tăng cường, nhưng vấn đề về VSATTP vẫn luôn tồn tại, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân. Nguyên nhân là bởi một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có ý thức cao trong thực hiện các quy định về ATTP, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bất chấp an toàn của cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn thiếu kiến thức về ATTP, có thói quen tiêu dùng thiếu an toàn, vẫn sử dụng những hàng hóa không rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, nguy cơ ngộ độc cao... Do đó, ngoài biện pháp quản lý sát sao của các cấp, ngành chức năng, chính người dân (dù với góc độ là người sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng) đều phải có trách nhiệm cùng chung tay đảm bảo ATTP, đẩy lùi mọi hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa tới an toàn sức khỏe, tính mạng con người.
Hội LHPN tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động đa dạng để nâng cao nhận thức, hành động về vấn đề VSATTP từ các cấp hội ở cơ sở. Nổi bật như tổ chức lễ phát động, giao lưu văn nghệ, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề; vận động hội viên phụ nữ, các hộ sản xuất kinh doanh ký cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch... Hội LHPN tỉnh đã tiến hành biên soạn, in và cấp phát trên 3.000 cuốn sổ tay cho hội viên toàn tỉnh về chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, kinh doanh ATTP theo tiêu chí “3 không, 4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách; không chất cấm, không sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, không dùng kháng sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ).
Việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” hằng năm (từ 15/4 đến 15/5) được coi là một trong những chiến dịch truyền thông cao điểm thay đổi hành vi về ATTP, luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Bởi khi công tác truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, người dân được phổ biến kịp thời, cập nhật đầy đủ hơn các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Theo Kế hoạch công tác đảm bảo ATTP năm 2024 (Kế hoạch số 41/KH-BCĐLNATTP, ngày 5/3/2024), Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Gồm: 100% người quản lý và 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng có nhận thức, kiến thức và thực hành đúng về ATTP. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nếu các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận thì thực hiện cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% cơ sở chế biến thực phẩm lĩnh vực Y tế thuộc diện cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; trên 90% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực ngành y tế quản lý đạt điều kiện ATTP...
Nguồn:https://baoquangninh.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-3290422.html Copy link