A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh: Thầm lặng hồi sinh sự sống

“Lương y phải như từ mẫu” là lời dạy của Bác Hồ mà Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, luôn khắc cốt ghi tâm từ ngày bước vào nghề. Trong suốt 35 năm qua, bác sĩ Thịnh luôn coi lời dạy của Bác là kim chỉ nam và động lực để phấn đấu, rèn luyện, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực nội, bác sĩ Thịnh cùng các đồng nghiệp đã luôn nỗ lực sáng tạo, phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, góp phần hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh.

 

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh (Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy) khám cho bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. 

Sáng tạo, tận tụy vì sức khỏe người bệnh

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc sau giờ kiểm tra hoạt động Bệnh viện hằng ngày, câu chuyện đầu tiên mà TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh chia sẻ với chúng tôi không phải về thành tích của đơn vị, càng không phải về cá nhân ông, mà là niềm vui, xúc động, những kỷ niệm không thể nào quên về những phút giây ngàn cân treo sợi tóc cứu sống những trường hợp người bệnh nặng bị suy hô hấp, hôn mê, sốc nhiễm trùng, sốc tim, sốc mất máu…; hay người bệnh cần hồi sức sau phẫu thuật lớn, có biến chứng hoặc nhiều bệnh lý kết hợp, nguy cơ tử vong cao. Những bệnh nhân nặng, nguy kịch về tính mạng đều được đưa đến cấp cứu, hồi sức tại khoa Hồi sức tích cực-Chống độc của Bệnh viện.

Tại đây, các bác sĩ thăm khám rất khẩn trương, tích cực để đưa ra chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời, phải theo dõi từng giây từng phút cho người bệnh. Có những bệnh nhân khi đưa vào Bệnh viện đã có tình trạng ngưng tuần hoàn có nghĩa là ngừng thở ngừng tim, phải cấp cứu, hồi sức tích cực hàng tiếng đồng hồ thì nhịp tim mới đập lại. Những bệnh nhân tưởng chừng chết rồi thì vẫn phục hồi và trở về cuộc sống bình thường của mình.

Theo bác sĩ Thịnh, hồi sức cho các ca bệnh nặng đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú. Đồng thời trong suốt ca trực, các bác sĩ và điều dưỡng luôn phải theo dõi tình hình người bệnh rất sát sao để liên tục xử trí, hội chẩn và đưa ra quyết định điều trị phù hợp theo từng diễn tiến của từng người bệnh. Bên cạnh đó, vì người bệnh đều ở trong tình trạng nặng nên các điều dưỡng phải thay người nhà người bệnh chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ việc ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân tại chỗ…

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy).

Nhớ lại những khó khăn trước những năm 2000, công tác hồi sức tích cực cho người bệnh rất thiếu thốn về thuốc, máy móc y tế, bác sĩ Thịnh tâm sự: “Thời điểm đó, Bệnh viện chỉ có 1 máy thở rất cũ dành cho công tác cấp cứu, hồi sức. Mỗi lần có bệnh nhân nặng, công tác hồi sức cho người bệnh gặp khó khăn vô cùng, phải nhanh chóng chuyển tuyến. Tôi cùng đồng nghiệp xót xa chứng kiến không biết bao nhiêu sự đau đớn, tiếc nuối khi người bệnh không thể qua khỏi. Chính vì những khó khăn đó đã thúc giục tôi quyết tâm học tập, nâng cao trình độ ở tuyến trên”.

Từ năm 2004, sau khi đào tạo xong bác sĩ chuyên khoa I và dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của các bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ Thịnh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bãi Cháy đã liên tục áp dụng và thực hiện thành công các kỹ thuật về đặt nội khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho người bệnh. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện cũng như ngành Y tế của tỉnh thời điểm đó thực hiện những kỹ thuật mới để cứu chữa khẩn cấp cho bệnh nhân. Đồng thời mở ra hướng đi mới cho chuyên ngành hồi sức tích cực của đơn vị.

Những bức tranh, bài thơ hay những lời chia sẻ, động viên và cảm ơn từ người bệnh gửi đến đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy.

Với yêu cầu phát triển lĩnh vực hồi sức chuyên sâu, từ năm 2007, Bệnh viện Bãi Cháy đã thành lập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Bác sĩ Thịnh được bổ nhiệm làm trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc từ năm 2007-2014.

TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh chia sẻ: Hồi sức tích cực được xác định là khoa mũi nhọn của Bệnh viện. Do đó, công tác thu hút, đào tạo nhân lực luôn được Bệnh viện quan tâm phát triển. Đồng thời, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đã được đầu tư như máy thở, monitor trung tâm, máy truyền dịch, máy lọc máu cấp cứu, máy EMO… Đến nay, chúng tôi đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức tích cực ngang tầm tuyến Trung ương. Nổi bật là các kỹ thuật về lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, thở máy dài ngày, chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), tiêu sợi huyết, can thiệp tim mạch… Qua đó góp phần giảm tỉ lệ tử vong bệnh nhân hồi sức tích cực, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh (Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy) trực tiếp hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" về chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ hồi sức tích cực của Bệnh viện.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Bản thân tôi được bác sĩ Thịnh hướng dẫn, đào tạo “cầm tay chỉ việc” từ những ngày đầu bước vào nghề cho đến nay. Hơn một đồng nghiệp gắn bó, bác sĩ Thịnh còn là người thầy giáo tận tụy, tâm huyết chỉ dạy cho tôi cùng các đồng nghiệp trẻ nhiều điều quý báu. Đó không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là tình yêu, hăng say với nghề, tận tình vì người bệnh, luôn trân quý từng giây từng phút để mang lại sự sống cho người bệnh.

Mỗi ca bệnh khó là thử thách mới để bác sĩ Thịnh cùng các đồng nghiệp học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn. Nhờ vậy, họ luôn tự tin về khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp, cũng như đưa ra các phương pháp điều trị đúng đắn cho người bệnh. Đó cũng chính là niềm tự hào để những bác sĩ, điều dưỡng lĩnh vực hồi sức tích cực, những “chiến sĩ” thầm lặng của nghề y luôn giữ được nhiệt huyết với con đường mà mình đã lựa chọn.

Góp sức phát triển Bệnh viện

Là bệnh viện đa khoa hạng I, tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy trở thành "chốt chặn" cuối cùng níu giữ sinh mệnh mong manh của các ca bệnh nguy kịch. Trưởng thành từ bác sĩ hồi sức tích cực, bác sĩ Thịnh hiểu rõ đặc thù, hiểm nguy, vất vả của các đồng nghiệp để lãnh đạo, phát triển Bệnh viện không ngừng phát triển vươn lên. Từ tháng 1/2014, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy. Đến Năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Trong quá trình tham gia quản lý lãnh đạo, TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển Bệnh viện. Để khối Nội và các khoa, phòng được giao phụ trách hoạt động có hiệu quả cao, phù hợp với tình hình phát triển của Bệnh viện, tập trung phát triển được các chuyên môn cao, chuyên sâu, nâng cao y đức, giao tiếp ứng xử, áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, từ năm 2014 đến nay, bác sĩ Thịnh đã cùng tập thể lãnh đạo Bệnh viện kiện toàn và thành lập một số khoa thuộc hệ Nội.

Cụ thể đã thành lập mới khoa Tim mạch can thiệp, khoa Lão khoa - cơ xương khớp; kiện toàn lại khoa Nội tổng hợp thành 3 khoa (Nội tổng hợp, Nội hô hấp, Thận lọc máu); kiện toàn khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc thành 2 khoa (Hồi sức tích cực và Chống độc, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Phòng khám - Cấp cứu); kiện toàn các khoa cận lâm sàng, các khoa Ung bướu 1, 2, Hồi sức tích cực ung bướu… Bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho nhân viên tại các khoa mới kiện toàn đảm bảo khoa học, hiệu quả. Bệnh viện cũng định hướng, mỗi khoa trở thành đơn vị chuyên sâu, đầu ngành của tỉnh, một số chuyên ngành ngang tầm Trung ương.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh (Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy) tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị tại Bệnh viện.

Trong các năm được giao quản lý các khoa hệ Nội, bác sĩ Thịnh đã chỉ đạo, hỗ trợ các y, bác sĩ triển khai được nhiều kỹ thuật mới. Tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, thở máy dài ngày, chạy tim phổi nhân tạo (ECMO)…; khoa Tim mạch triển khai kỹ thuật chụp và can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp; khoa Chẩn đoán hình ảnh triển khai kỹ thuật X-quang, can thiệp nút mạch vỡ tạng và các khối u…; khoa Nội tiêu hóa triển khai kỹ thuật nội soi siêu âm, cắt hớt niêm mạc trong ung thư sớm dạ dày, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)…

Đặt chất lượng khám chữa bệnh lên hàng đầu, TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh đã cùng tập thể lãnh đạo Bệnh viện xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết từ đầu năm công tác, đưa ra các giải pháp thực hiện thiết thực. Nhờ đó, công tác khám chữa bệnh trong từng năm tiếp tục thu được những kết quả tích cực. Hằng năm, Bệnh viện thu hút trên 360.000 lượt người đến khám bệnh, trên 48.000 người điều trị nội trú, thực hiện được khoảng 14.000 ca phẫu thuật các loại.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, chỉ dạy tận tình và truyền lửa cho các y, bác sĩ của Bệnh viện.

Không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh và quản lý, TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh còn là người thầy đáng kính sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, chỉ dạy tận tình và truyền lửa cho các bác sĩ của Bệnh viện, bác sĩ thực tập; tích cực tham gia đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho bác sĩ các đơn vị y tế tuyến dưới. Ông cũng đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, được đánh giá cao với tính ứng dụng thiết thực trong điều trị cho người bệnh.

Trong 35 năm cống hiến cho sự nghiệp ngành Y, dù ở cương vị nào, một người đảng viên, một người lãnh đạo quản lý hay là một bác sĩ điều trị, TTƯT, bác sĩ CKI Đỗ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, vững vàng, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đối với ông, phần thưởng cao quý nhất suốt 35 năm công tác không phải những tấm bằng khen ghi nhận thành tích mà chính là sự tin yêu của người bệnh, và vinh dự được góp hết sức mình cho sứ mệnh vinh quang của ngành Y là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân... Qua đó góp phần đưa Bệnh viện Bãi Cháy tiếp tục phát triển vươn lên, xứng đáng với truyền thống Bệnh viện, sự tin cậy của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Y tế và đặc biệt là xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh.

 
 
 

Nguồn:https://baoquangninh.vn/tham-lang-hoi-sinh-su-song-3328876.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 18
Hôm nay : 2.896
Tháng 11 : 98.218