Thủ tướng mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất
SKĐS - Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động...
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, định hướng thời gian tới, trao đổi, giải quyết các kiến nghị của tỉnh chiều ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại câu chuyện "dao mổ y tế rạch 3 lần mới qua da" mà ông được trực tiếp lắng nghe tại hội nghị trực tuyến ngày 21/8 vừa qua . Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động, "mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất". |
Dao mổ cùn, dây truyền dịch và ống sonde... giá rẻ và tâm tư thầy thuốc
Trước đó, chia sẻ tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", BSCK II Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh nói: Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt", BSCK II Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi bức xúc của các bác sĩ tại bệnh viện này.
Trên thực tế lãnh đạo một số bệnh viện lớn qua trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống cũng rất thẳng thắn cho rằng những điều BS Thức chia sẻ là thực trạng chung ở nhiều bệnh viện.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương ví von việc bệnh viện đấu thầu mua vật tư y tế, trang thiết bị giống khi mua xe máy. Theo đó, sẽ đặt ra những tiêu chí để mua nhưng theo quy định của pháp luật chỉ được đưa ra yêu cầu chung chung như "động cơ 4 thì, chạy bằng xăng, dung tích xi lanh, có 2 bánh…".
Với những tiêu chí như thế thì xe máy tàu hay Honda đều đáp ứng và khi đấu thầu thì sản phẩm nào rẻ hơn sẽ trúng thầu. "Nhưng thực tế, có cái dùng 20 năm không hỏng, có cái dùng một năm thì vứt đi. Trong khi đó, những vật tư tiêu hao đưa vào con người như vật liệu hàn xương, stent… phải lựa chọn đồ tốt"- Vị lãnh đạo này nói.
Cũng về vấn đề giá mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, trang thiết bị PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từng nhiều lần chia sẻ: "Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó".
Tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đã mua sonde hút dịch phế quản cho bệnh nhân hồi sức hô hấp, thở máy loại 160.000 đồng, trong khi loại tốt hơn giá 220.000 đồng không được chọn.
Mặc dù khi chấm thầu, cả 2 loại sonde này đều đạt các chỉ số kỹ thuật, tiêu chí của chủ đầu tư đặt ra. Nhưng khi sử dụng thì bác sĩ nhận thấy loại trúng thầu có ống hút rất cứng, hút dịch phế quản khó khăn, có thể gây tổn thương niêm mạc hô hấp của bệnh nhân, gây chảy máu.
Tại cuộc làm việc chiều ngày 22/8 của Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn, đại diện lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ:
"Theo quy định giá đấu thấu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó như vậy là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật thị trường, dẫn đến tình trạng gói thầu một là trượt, hai là bệnh viện mua phải hàng không đạt chất lượng"- ông Nguyễn Đức Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nói.
Chia sẻ với phát biểu liên quan đến "dao giá rẻ rạch 3 lần mới đứt" của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Đức Trường cho rằng đó là thực tế của nhiều bệnh viện. "Đơn giản dây truyền, có một đoạn để tiêm thuốc vào nhưng cứ châm vào lại chảy nước. Trước đây mua dây truyền tốt thì không sao, nhưng dây truyền rẻ thì có tình trạng này".