Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đang được triển khai xây dựng với 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó kinh tế số được xác định tập trung đẩy mạnh để hoàn thành với các mục tiêu đã đề ra. Thời gian qua các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thúc đẩy phát triển kinh tế số với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.
Trong Nghị quyết 09, đối với kinh tế số, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp từ 47-50% kinh tế số. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số. Đến năm 2030 mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Phấn đấu có tối thiểu 500 doanh nghiệp số, trong đó có các doanh nghiệp ''Make in Vietnam” làm ra các sản phẩm công nghệ lõi, chủ lực trong chuyển đổi số, đô thị thông minh.
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 09 đã đề ra, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh triển khai với nhiều giải pháp, doanh nghiệp và người dân thấy được lợi ích từ chuyển đổi số đã hưởng ứng tích cực. Qua hơn một năm triển khai, hoạt động kinh tế số trên địa bàn tỉnh bước đầu phát triển. Trong đó các hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động và tăng nhanh ở nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đã và đang tập trung đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, qua đó giúp phát triển kinh doanh.
Đối với việc thanh toán số không dùng tiền mặt cũng trở nên thông dụng tại Quảng Ninh. Hiện 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm: Thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Có 75,9% số tiền phí, lệ phí TTHC dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 91,6% số tiền phí, lệ phí TTHC dịch vụ hành chính công cấp huyện được thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến. 13 địa phương toàn tỉnh đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I trên địa bàn.
Đặc biệt Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Từ tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, có 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7% chỉ tiêu). Phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Hiện nay, thông qua sự kết nối của tỉnh đã có gần 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada… qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
Để doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số, tỉnh đã lựa chọn 50 doanh nghiệp thí điểm chuyển đổi số. Để các doanh nghiệp chuyển đổi số đạt kết quả cao, Sở Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động đôn đốc, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm chuyển đổi số.
Với những giải pháp chuyển đổi số được thực hiện bài bản, việc phát triển kinh tế số của Quảng Ninh bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 5,2% năm 2021 và được nâng lên mức 8% năm 2022. Năm 2023 dự kiến kinh tế số của Quảng Ninh sẽ chiếm 12% GRDP.
Nguồn:https://baoquangninh.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-3251244.html Copy link