A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão

Cùng với công tác khắc phục hậu quả của mưa bão, các địa phương trong tỉnh đã triển khai phun hóa chất khử khuẩn vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh các khu vực bị ngập lụt tại huyện Ba Chẽ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3 (YAGI), một số địa phương ở Quảng Ninh có mưa to kéo dài, kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về gây ngập lụt cục bộ một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã tiến hành phun hóa chất để khử khuẩn môi trường tại các vùng ngập úng sau khi nước rút.
Toàn tỉnh đã thực hiện phun khử khuẩn hóa chất Cloramin B với diện tích hơn 170.000m2. Các đơn vị y tế địa phương cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ dân và hướng dẫn xử lý nước bị ô nhiễm. Theo đó, đã hỗ trợ xử lý nước bằng hóa chất theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 1.400 hộ dân trong toàn tỉnh.
Các đơn vị y tế thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ và ngập lụt, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Hiện nay đang là đợt cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, như tại TX Quảng Yên, từ ngày 13 đến 17/9, Trung tâm Y tế thị xã đã tiếp nhận điều trị 5 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó 1 ca có biến chứng xuất huyết niêm mạc và giảm tiểu cầu nên được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Theo bác sĩ Kiều Mai Loan, Phụ trách khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - Y tế công cộng - An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế TX Quảng Yên), 5 ca mắc sốt xuất huyết đều là những ổ dịch mới tại xã Tiền An, phường Quảng Yên và phường Yên Giang. Trung tâm Y tế TX Quảng Yên đã thực hiện điều tra, xác minh dịch, tiến hành giám sát véc tơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết, đánh giá nguy cơ lây truyền, thực hiện kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và người dân tại khu vực nhà các ca bệnh mắc sốt xuất huyết. Đồng thời, hướng dẫn người dân kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy, cùng các biện pháp phòng muỗi đốt để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Người dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Theo thống kê của CDC Quảng Ninh, toàn tỉnh đã ghi nhận 134 ca (số liệu đến ngày 23/9) mắc sốt xuất huyết tại 11/13 huyện, thị xã, thành phố (trừ Cô Tô, Tiên Yên), chưa ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tất cả các ca mắc sốt xuất huyết đều được giám sát và triển khai biện pháp xử lý, không để dịch lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động truyền thông về biện pháp phòng chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức; chủ động giám sát véc tơ và triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện phun hóa chất chủ động để kiểm soát mật độ muỗi tại những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực có mật độ muỗi cao trên ngưỡng gây dịch.
CDC Quảng Ninh cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm hằng năm, thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Thời tiết trong giai đoạn này diễn biến khó lường, cùng với lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và lây lan bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Trong đó, muỗi vằn đóng vai trò là trung gian truyền bệnh, mang virus từ người bệnh truyền sang người lành qua vết đốt. 2 loại muỗi gây bệnh chính là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn muỗi truyền bệnh và giảm thiểu môi trường sống của chúng. Do đó, người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt…

 


Nguồn:https://baoquangninh.vn/bao-ve-suc-khoe-mua-mua-bao-3320531.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 16
Hôm nay : 216
Tháng 12 : 15.880