SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ: "Là người đứng đầu ngành y tế, thời gian qua tôi phần nào thấu hiểu những vất vả, hy sinh của đội ngũ thầy thuốc ngày đêm hết lòng vì người bệnh. Hơn lúc nào hết, lúc này ngành y tế rất cần sự chia sẻ của các cấp, các ngành và đồng cảm của nhân dân..."
Ngành y tế đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao
PV: Xin Bộ trưởng đánh giá về một số thành quả nổi bật mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Trong năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành y tế nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế và đã đạt được một số kết quả nổi bật sau đây:
Quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Cùng với đó, ngành y tế đã tập trung công tác hoàn thiện thể chế, trong đó được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành: Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững…
Cả nước chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm giảm cả về số vụ và số mắc so với năm 2021. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh.
Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu.
Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số y tế … tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được ngành y tế đang phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại và thách thức gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Việt Nam của chúng ta hiện nay đứng trước không ít khó khăn do tình hình dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Cùng với dịch COVID-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế.
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn chưa bảo đảm. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Công nghiệp dược, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc…
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu… Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…
Những giải pháp đột phá của ngành trong năm 2023
PV: Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Trong thời gian tới ngành y tế cần tập trung xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững", để làm được điều này cần có những giải pháp đột phá nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Năm 2023 là có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, vì thế để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, không để dịch chồng dịch. Triển khai hiệu quả các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý môi trường y tế, nâng cao sức khỏe người dân.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh; Tiếp tục triển khai các chương trình tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở.
Thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước, kế hoạch dịch vụ công trực tuyến, kết nối chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống liên quan. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin y tế theo hướng kết nối thông tin báo cáo từ trung ương đến địa phương trực tuyến để đáp ứng kịp thời các thông tin trong quản lý điều hành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong năm 2023, ngành y tế cũng tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc sắc xin cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…
PV: Với vai trò là "tư lệnh ngành" xin Bộ trưởng cho biết những bài học kinh nghiệm sau một năm nhìn lại những thăng trầm của ngành y tế thời gian qua?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến cố, nhưng toàn ngành y tế đã nỗ lực, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với những kết quả đã đạt được, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi đối với Ngành, cơ quan, tổ chức; tập trung tổ chức việc học tập, quán triệt tới các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành, đồng thời tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
Thứ hai, tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chủ động, liên tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; coi trọng sơ kết, đánh giá thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm gắn với nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Thứ năm,đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách; huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế.
Đội ngũ thầy thuốc đã nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn...
PV: Nhân dịp 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023), Bộ trưởng có những gửi gắm, động viên gì tới cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y tế trên cả nước?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan:Chặng đường vừa qua, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế đã luôn là lực lượng tiên phong, đoàn kết, vững vàng vượt qua gian nan, lấy người bệnh là trên hết và sẵn sàng dấn thân khi người bệnh cần, Tổ quốc cần.
Với vai trò là người đứng đầu ngành y tế, thời gian qua tôi phần nào thấu hiểu những vất vả, hy sinh của đội ngũ thầy thuốc ngày đêm hết lòng vì người bệnh. Hơn lúc nào hết, lúc này ngành y tế rất cần sự chia sẻ của các cấp, các ngành và đồng cảm của nhân dân để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn này.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới tất cả các thầy thuốc trong cả nước trong thời gian qua đã nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, ngành y tế sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức mới, tôi mong các đồng chí tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả các cán bộ, nhân viên ngành y tế cả nước và gia đình, người thân của các đồng chí đã luôn là hậu phương vững chắc động viên tinh thần để mỗi cán bộ y tế luôn vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tin tưởng các cán bộ, nhân viên ngành y tế sẽ tiếp tục không ngừng phát huy vai trò, trí tuệ hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.