Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, của các cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Chiều 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chất vấn với các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Nóng vấn đề quản lý thực phẩm chức năng
Một trong nhóm vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc quản lý thực phẩm chức năng hiện nay.
Các đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị Bộ trưởng Y tế đưa ra giải pháp ngăn chặn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm trên thị trường đã được quy định trong Luật Dược. Các quy định của pháp luật tương đối đầy đủ để tăng cường quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có trường hợp lách luật để buôn bán thực phẩm chức năng giả, hoặc thổi phồng công dụng. Do đó, Bộ Y tế cũng đã tăng cường kiểm soát các mặt hàng này, đồng thời rà soát các quy định pháp luật để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp.
Liên quan đến các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc là "hàng xách tay", người đứng đầu Bộ Y tế khẳng định: Về mặt pháp quy, nếu những sản phẩm này không được mang ra buôn bán thì sẽ không thuộc phạm vi quản lý của các Luật liên quan.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dạng này được bán tại các cửa hàng, mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng khẳng định, đây là các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời cho biết, thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ cùng các Bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh để phát hiện và xử lý các sai phạm.
Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết việc những người mặc áo blouse trắng xưng danh bác sĩ bệnh viện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp theo quy định hay không, nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay vấn đề quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm đã được quy định đầy đủ trong nhiều Luật liên quan.
Đáng chú ý, trong Luật Quảng cáo đang sửa đổi cũng đã quy định rất rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, của các cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Do đó, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng các hình ảnh này là sai quy định. Về phía Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.
Có cán bộ, đơn vị chưa dám nghĩ, dám làm trong đấu thầu thuốc
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu tập trung là câu chuyện thiếu thuốc, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế: Các nhà thuốc bệnh viện vẫn gặp khó khăn trong đấu thầu thuốc; dẫn đến thực trạng người dân khi khám xong lại không mua được thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của vướng mắc cũng như lộ trình giải quyết khó khăn nêu trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chính sách tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc. Đặc biệt là Luật Đấu thầu 2023 đã đưa nhiều chính sách tháo gỡ cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc trong cơ sở y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, chỉ còn nội dung liên quan tới nhà thuốc bệnh viện đang vướng. Nguyên nhân là trước đây nhà thuốc bệnh viện do các bệnh viện tự quản lý, tổ chức mua thuốc để bán cho người dân khi có nhu cầu, không phải lấy tiền từ nguồn ngân sách, cũng không phải nguồn Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 quy định nhà thuốc bệnh viện cũng phải đấu thầu. Các nhu cầu phát sinh của người bệnh hết sức đa dạng. Do đó nhà thuốc bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Cơ sở y tế phản ánh nội dung này trong luật Dược sửa đổi. Luật Dược sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp này cũng sẽ sửa đổi vấn đề liên quan nhà thuốc bệnh viện. Tức là giao lại quyền chủ động cho cơ sở y tế, bảo đảm công khai, minh bạch; trên cơ sở đó cung cấp nguồn thuốc cho người dân.
Tham gia chất vấn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói rõ, thiếu thuốc ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến người bệnh. Thời gian trước có điểm nghẽn về pháp luật, thời gian vừa rồi Quốc hội, Chính phủ có nhiều cố gắng tháo gỡ, những điểm nghẽn cơ bản đã giải quyết được. Thế nhưng tình trạng thiếu thuốc vẫn còn. Đại biểu nêu câu hỏi: Vậy thì có phải có trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong đấu thầu của những cơ sở y tế này không?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, khi đấu thầu thuốc có 3 cấp, mua sắm tập trung ở Bộ Y tế, tại tỉnh và tại cơ sở y tế. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ trưởng cho rằng văn bản quy định mới nên việc nghiên cứu, tìm hiểu, bố trí nhân lực thực hiện còn khó khăn. Để giải quyết việc này, ngoài việc tập huấn, Bộ Y tế cũng đã xây dựng sổ tay cẩm nang đấu thầu thuốc. Bộ trưởng cho biết hiện, phần việc này đã sắp được hoàn thành và sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương, cũng như cơ sở y tế có căn cứ thực hiện.
“Thực tiễn có cán bộ, đơn vị chưa dám nghĩ, dám làm, e ngại vấn đề sai phạm, trong triển khai còn vướng mắc. Chúng tôi có chỉ thị các cơ sở khám chữa bệnh, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 24 quy định trách nhiệm người đứng đầu trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư y tế. Chúng tôi mong muốn địa phương, giám đốc cơ sở tập trung triển khai nhiệm vụ hết sức quan trọng này”, Bộ trưởng Lan khẳng định.
Nguồn:https://baoquangninh.vn/lam-ro-nguoi-xung-danh-bac-si-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-3329025.html Copy link