SKĐS - Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022 Chính phủ đã nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tích cực rà soát, sửa đổi và đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH.
Ngày 26/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022.
Cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng
Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2022 tập trung xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng có nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; các thành viên Chính phủ, các đại biểu phát biểu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao.
Với đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thủ tướng đề nghị phải thiết kế công cụ để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường, chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật của thị trường;
Với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, mang tính ổn định, đồng bộ, có tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, không ảnh hưởng tới môi trường, tránh quy hoạch treo, kết nối hợp lý giữa đô thị và nông thôn, quy hoạch khả thi, thực hiện hiệu quả.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số quan điểm, yêu cầu, nguyên tắc chung trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính…
Cần tổng kết thi hành pháp luật có liên quan một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng; tăng cường hội thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn để tiếp thu, hoàn thiện, tăng tính khả thi, đồng thuận.
Thủ tướng nêu quan điểm, những vấn đề gì đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì thể chế hóa thành luật; cái gì mới, chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.
Đồng thời rà soát kỹ lưỡng, xử lý hài hòa giữa các chính sách cụ thể, đặc thù với các chính sách chung, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với pháp luật có liên quan, tính tương thích với các cam kết quốc tế. Lưu ý quy định chuyển tiếp để bảo đảm tính liên tục của pháp luật, đồng thời không để khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính hợp lý, khả thi, dễ dự đoán, ổn định và hiệu quả của các quy định.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan liên quan; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật.
Tăng cường năng lực phản ứng chính sách
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Trong năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, trong đó 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến, với chất lượng xây dựng luật nhìn chung được nâng lên một bước. Đến chiều ngày 26/12/2022, Chính phủ đã ban hành 106 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 quyết định quy phạm pháp luật.
Chính phủ thực hiện nghiêm túc Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và chuẩn bị cho các năm tiếp theo; tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng, ban hành Nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tích cực rà soát, sửa đổi và đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp; sự đồng hành, phối hợp chủ động, tích cực của Quốc hội với Chính phủ; sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, còn những hạn chế, bất cập cần phải cố gắng hơn nữa trong việc sửa đổi quy trình xây dựng, ban hành văn bản; nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ trình; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, phát hiện, xử lý và tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật…
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; rà soát các công việc đã triển khai, rút kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.
Văn phòng Chính phủ rà soát chương trình công tác xây dựng pháp luật để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phân công các bộ, ngành triển khai, các Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng các văn bản bảo đảm kịp thời về tiến độ, nâng cao về chất lượng.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sơ kết công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật năm 2022, trong đó có đánh giá cụ thể về 5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng nghị quyết - văn bản riêng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới, trên nguyên tắc nội dung, hình thức, tiến độ rõ ràng, giao việc cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát, dễ đánh giá.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-chinh-phu-da-giai-quyet-kho-khan-khoi-thong-nguon-luc-phuc-vu-cong-tac-phong-chong-dich-169221226191948623.htm Copy link