A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em

SKĐS - Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4, hơn 80 quốc gia đã tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ em.
"Chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ứng phó với dịch COVID-19"
Tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế phối hợp với UNICEF và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 7/9, PGS.TS Nguyễn thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã có xấp xỉ 100% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19; 85,4% trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1. Nước ta đang bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân và trẻ em. Ảnh: Trần Minh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, nhớ lại những ngày khó quên vào tháng 2/2020, xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam. Khi đó thế giới hiểu biết còn rất hạn chế về dịch bệnh và chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải cách ly, phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong vòng 21 ngày, người dân hoang mang, lo sợ, chính quyền các cấp phải vào cuộc rất quyết liệt mới kiểm soát được dịch bệnh.
Hay vào những ngày này năm 2021, các thầy cô và các em học sinh phải dạy và học trực tuyến, học sinh không được đến trường, cộng đồng, các trường học  không thể tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.
"Chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ứng phó với dịch COVID-19. Đại dịch chưa có tiền lệ đã để lại những mất mát không thể bù đắp: con mồ côi cha mẹ, vợ mất chồng, các di chứng do nhiễm bệnh, người lao động mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phá sản, thầy cô, cha mẹ học sinh luôn lo lắng, bất an khi con em không được đến trường và phải học trực tuyến với những hạn chế, khó khăn rất thiệt thòi cho các em học sinh"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bài học kinh nghiệm qua hơn 2 năm phòng chống dịch và cho đến nay Tổ chức Y tế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.
Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương trò chuyện, động viên trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tiêm vaccine phòng COVID-19 hướng ứng lễ phát động tại Vĩnh Phúc Ảnh: Trần Minh
Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh:
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...
Trong khi tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người dân, các em học sinh cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều 
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh để tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các em học sinh được đến trường học tập bình thường, an toàn, để phụ huynh học sinh, thầy cô giáo yên tâm, không lo lắng, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong việc tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhằm chung tay phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, nhân dịp Năm học mới 2022-2023 và Tết Trung thu năm 2022, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cả nước với chủ đề "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vaccine để có miễn dịch chủ động với dịch bệnh, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn đồng thời nhằm hỗ trợ các địa phương đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em - Ảnh 5.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại Vĩnh Phúc Ảnh: Trần Minh
Với phương châm "tiêm vaccine là để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch"; "tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của chính mình và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng"; người dân, trẻ em, các em học sinh cần được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều, Bộ Y tế kêu gọi các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp ở tất cả các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo ngành giáo dục, ngành thông tin truyền thông phối hợp với ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, nêu rõ lợi ích và hiệu quả của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao và trẻ em;
Vận động phụ huynh đồng thuận để con em mình từ 12 - dưới 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 3; các em từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine; tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 
"Đây cũng chính là cách quan tâm thiết thực nhất để đảm bảo điều kiện an toàn cho năm học mới, thể hiện tình yêu của chúng ta đối với trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng kêu gọi và đề nghị các thầy cô giáo vận động cha mẹ học sinh cho con em tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, phổ biến đầy đủ đến cha mẹ học sinh những nội dung cần thực hiện khi đến tiêm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Với các em học sinh, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của nhà trường, thầy cô giáo; chủ động thuyết phục cha mẹ cho các em được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ em - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu kiểm tra công tác ứng phó khi có các phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 . Ảnh: Trần Minh
Phát biểu hưởng ứng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nêu rõ, để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch; hưởng ứng phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" của Bộ Y tế, yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; tiếp tục khẳng định và quán triệt quan điểm chỉ đạo: Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Tiêm vaccine là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phó Chủ tịch Vũ Việt Văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng trên địa bàn; thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là đối với trẻ em ở độ tuổi đến trường, để có thể miễn dịch chủ động với COVID-19.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ nhằm tạo sự đồng thuận trong tiêm chủng.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-bo-y-te-chua-co-bang-chung-khoa-hoc-nao-cho-thay-vaccine-phong-covid-19-anh-huong-toi-suc-khoe-tre-em-169220907130409501.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 7
Hôm nay : 365
Tháng 09 : 80.204