A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Trong những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu ngành Y tế tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, quản lý. Đặc biệt, thực hiện công cuộc chuyển đổi số, CDC Quảng Ninh đã chủ động, tăng tốc trong lĩnh vực này, nhằm hướng tới mục tiêu để người dân được dự phòng, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

“Lửa thử vàng”

Tháng 1/2020, dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, được Bộ Y tế đưa vào Danh mục “Bệnh truyền nhiễm nhóm A” - nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh, phát tán rộng và gây tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh đã lập tức “kích hoạt” phương án đối phó, khẳng định sự chủ động khi phải đối mặt với dịch bệnh nguy cấp.

Để có sự chủ động này phải kể đến việc từ nhiều năm trước đó, CDC Quảng Ninh đã tuyển chọn nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo bài bản, thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Thêm nữa, trong một thời gian dài trước đó, đơn vị đã đầu tư xây dựng phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt ISO 17025-2017, ISO 15189-2012 đầu tiên của ngành Y tế tỉnh. Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, CDC Quảng Ninh đã áp dụng thành công kỹ thuật Realtime RT-PCR (kỹ thuật sinh học phân tử) để xét nghiệm Covid-19 chính xác và nhanh chóng. CDC Quảng Ninh cũng là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước có thể xét nghiệm Covid-19; không phải chuyển mẫu bệnh lên Viện Dịch tễ Trung ương và chờ 3-4 ngày sau mới có kết quả. Việc chủ động phát hiện sớm Covid-19 bằng các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến là công cụ đắc lực góp phần quan trọng trong việc khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Kỹ thuật viên Khoa Vi sinh, CDC Quảng Ninh, thực hiện mã hóa mẫu trên hệ thống đăng ký, nhận kết quả và quản lý mẫu xét nghiệm Covid-19 trực tuyến để đưa vào máy xét nghiệm PCR.

 

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong suốt khoảng thời gian dịch Covid-19 mới xâm nhập, rồi bùng phát, ở mỗi thời điểm, CDC Quảng Ninh lại có những sáng kiến mới áp dụng nhằm đối phó với dịch bệnh và tạo thuận lợi cho người dân. Như những ngày đầu tháng 2/2020, để tạo nhiều kênh thu thập thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, CDC Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng phần mềm báo dịch trực tuyến trên Trang thông tin điện tử tổng hợp http://quangninhcdc.vn. Tiếp đó là triển khai và đưa vào hoạt động Tổng đài báo dịch miễn phí 18009214 với các chức năng: Cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tự động, báo trường hợp nghi ngờ hoặc bị mắc Covid-19, thông báo các số điện thoại đơn vị y tế tiếp nhận thông tin trên địa bàn tỉnh, nghe tư vấn về dịch trực tiếp từ tư vấn viên. Điều đặc biệt là, thời điểm đầu tháng 2/2020, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên, duy nhất trong cả nước triển khai phần mềm để thu thập thông tin tình hình dịch Covid-19 nhằm xử lý nhanh nhất khi có vấn đề dịch bệnh phát sinh.

CDC Quảng Ninh cũng đã nghiên cứu, đề xuất áp dụng giải pháp: Hệ thống đăng ký, nhận kết quả và quản lý mẫu xét nghiệm Covid-19 trực tuyến (trên trang thông tin điện tử http://quangninhcdc.vn/). Hệ thống này tận dụng tối đa những lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong việc thực hiện chuyên môn. Theo đó, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, tổ chức… có thể chủ động thực hiện đăng ký, nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trực tuyến. Dữ liệu được thực hiện chuẩn hóa từ tuyến huyện, thị xã, thành phố đến tuyến tỉnh. Kết quả xét nghiệm Covid-19 được chuyển nhanh nhất đến khách hàng trên môi trường mạng.

 

Cán bộ y tế CDC Quảng Ninh khám sức khỏe định kỳ cho khách hàng tại cơ sở.

 

Hệ thống đăng ký, trả kết quả và quản lý mẫu xét nghiệm Covid-19 trực tuyến được triển khai tại CDC Quảng Ninh là hệ thống đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cũng là hệ thống trả kết quả xét nghiệm Covid-19 trực tuyến đầu tiên trên cả nước. Điều đặc biệt, hệ thống có khả năng ứng dụng đối với tất cả các CDC trên toàn quốc.

Nhờ việc ứng dụng hiệu quả CNTT và chuyển đổi số đã góp phần giúp CDC Quảng Ninh chủ động hơn, có “vũ khí” đắc lực chống lại dịch Covid-19; khẳng định sự vững vàng của một đơn vị y tế dự phòng hạng I trước bệnh dịch mới nổi.

"Số hóa" dữ liệu về bệnh nhân tại CDC Quảng Ninh.

 

Tăng tốc chuyển đổi số

Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định y tế là một trong 6 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Trong đó xác định xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế của tỉnh kết nối liên thông, đồng bộ với Bộ Y tế; phát triển nền tảng hỗ trợ khám, tư vấn, chữa bệnh từ xa. Nhân rộng mô hình bệnh viện thông minh; các cơ sở khám chữa bệnh đều sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; thanh toán viện phí điện tử và đơn thuốc điện tử. Thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân đến từng hộ gia đình gắn với chuyển đổi số, đảm bảo liên thông khi khám chữa bệnh, thực hiện hướng dẫn phòng ngừa và chữa bệnh ngay từ gia đình.

 

 

Cảnh xếp hàng đông đúc ở CDC Quảng Ninh khi chưa triển khai "khám, chữa bệnh không giấy tờ"... 

Nhờ đăng ký khám, trả kết quả trực tuyến, hoạt động khám sức khỏe định kỳ được CDC Quảng Ninh thực hiện rất thuận tiện, thông thoáng.

Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là rất quan trọng, thiết thực trong mọi hoạt động của một đơn vị y tế dự phòng, CDC Quảng Ninh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Trung tâm; trong đó, đồng chí Giám đốc Trung tâm là Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel khảo sát lại toàn bộ hiện trạng hạ tầng CNTT và xây dựng các giải pháp chuyển đổi số tại CDC.

Chỉ tính riêng năm 2022, bên cạnh duy trì, nâng cấp các hệ thống, phần mềm, trang thông tin… đã xây dựng, hoạt động trước đó, CDC Quảng Ninh đã triển khai phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử V2 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, kiểm tra đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp đến nhà cung cấp để hoàn thiện hệ thống. Trung tâm cũng nâng cấp hệ thống phần mềm khám chữa bệnh (His) được triển khai từ tháng 9/2022 nhằm sẵn sàng kết nối dữ liệu Khám sức khỏe của người lái xe với Cơ sở dữ liệu sức khỏe của Bộ Y tế, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. 100% hồ sơ khám chữa bệnh được gửi giám định thành công trên cổng BHYT. Đồng thời triển khai thanh toán viện phí, dịch vụ y tế của đơn vị bằng phương thức không dùng tiền mặt tại bộ phận “Một cửa”…

Đặc biệt, từ năm 2023, CDC Quảng Ninh đã triển khai xây dựng hệ thống đăng ký, trả kết quả khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp trực tuyến tại Trung tâm (khám, chữa bệnh không giấy tờ). Hằng năm đơn vị thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho trên 40.000 lượt cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Việc đăng ký và trả kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho các cá nhân, đơn vị gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do lượng đăng ký khám và đến khám cùng một lúc khiến cho cán bộ, nhân viên đơn vị đôi lúc bị quá tải. Việc in sổ khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế mất nhiều chi phí cho đơn vị quản lý lao động. Ngoài ra việc lưu trữ kết quả khám, chữa bệnh bằng giấy cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác thống kê, báo cáo và theo dõi sức khỏe cán bộ, nhân viên tại các đơn vị sử dụng lao động.

 

Dữ liệu của mỗi bệnh nhân đều được CDC Quảng Ninh mã hóa trên hệ thống đăng ký, trả kết quả khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp trực tuyến.

 

Công tác khám chữa bệnh, quản lý và thống kê khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp vẫn đang được thực hiện một cách thủ công, chưa kịp thời dẫn đến việc thống kê, báo cáo thực trạng khám sức khỏe và trả kết quả cho khách hàng gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực để thực hiện. Ngoài ra nhu cầu khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp của các cá nhân, doanh nghiệp để phục vụ công việc trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp là xu thế tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số của Trung tâm.

Trong gần 6 tháng triển khai hệ thống đăng ký, trả kết quả khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp trực tuyến theo đoàn tại đơn vị, Trung tâm đã tiếp nhận 20 đoàn khám với khoảng 9.000 hồ sơ kết quả được trả đến cho doanh nghiệp, khách hàng. Tất cả kết quả khám đều được trả trên môi trường số hóa, đã tiết kiệm cho doanh nghiệp, đơn vị kinh phí mua sổ khám các loại. Ngoài tiết kiệm chi phí, việc đăng ký khám và trả kết quả trực tuyến giúp Trung tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công việc và quản lý hồ sơ bệnh án một cách khoa học. Những số liệu thống kê báo cáo được số hóa giúp Trung tâm có những định hướng cụ thể về mô hình bệnh tật, sức khỏe người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đối với cá nhân và người lao động, việc đăng ký và khám sức khỏe trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự thuận tiện bởi sẽ nhận được kết quả của mình ngay khi có kết luận của bác sĩ. Số liệu thống kê báo cáo cũng rất chính xác, mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như quản lý cho đơn vị và khách hàng. Đơn vị sử dụng lao động có một giải pháp dịch vụ công hiệu quả khi không phải trực tiếp đi làm thủ tục hành chính; khi có kết quả sẽ nhận được trên môi trường mạng.

Khi có kết quả khám, khách hàng, đơn vị sử dụng lao động sẽ tải được kết quả khám chữa bệnh của đơn vị mình kèm các báo cáo theo quy định.

 

Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Trung tâm, cho biết: Đơn vị luôn có định hướng, lộ trình rõ ràng, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đảm bảo thực hiện các chương trình, mục tiêu chuyển đổi số do Bộ Y tế cũng như tỉnh Quảng Ninh đề ra. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng kết nối với các hệ thống dùng chung của ngành Y tế; hoàn thiện nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh; xây dựng kế hoạch và triển khai các vấn đề liên quan đến quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh trên Hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng Bệnh án điện tử (EMR)… Tất cả nhằm góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan quản lý tốt hơn. Đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn trong dự phòng y tế; giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tại đơn vị một cách thuận tiện, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm được chi phí. 


Nguồn:https://baoquangninh.vn/chuyen-doi-so-de-nguoi-dan-duoc-cham-soc-suc-khoe-tot-hon-3247110.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 1.583
Tháng 12 : 107.919