Câu hỏi:
Xét tuyển viên chức 2024
Nội dung:
Tôi xin có ý kiến về việc xét tuyển viên chức tại quảng ninh năm 2024 như sau: Đối với bằng cấp khi chưa đủ ngày thì tôi chấp nhận chưa đủ điều kiện để xét tuyển thi viên chức ạ, nhưng với những người có thời gian thai sản thiếu mấy tháng như tôi thì cũng rất là thiệt thòi vì phụ nữ phải có thiên chức làm mẹ, theo tôi được biết là trong quá trình thai sản vẫn tính là làm việc liên tục và được những quyền lơi ưu tiên, nếu không tính thời làm việc liên tục cho những người trong quá trình thai sản vậy ai dám đẻ nữa ạ, tôi thấy vậy rất vô lý ạ nên tôi muốn hỏi là dựa vào công văn hay quy định nào không tính thời gian làm việc liên tục cho những người trong quá trình thai sản ạ?
Người gửi:
Địa chỉ: yentruong245@gmail.com
Trả lời:
  • Về nội dung câu hỏi của bạn đọc, Sở Y tế giải đáp như sau:

    Theo quy định tại khoản 6, Điều 43, Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định:

    “Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian này được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động”.

    Như vậy, thời gian nghỉ thai sản được tính “là thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, không được tính “là thời gian làm việc liên tục” hay “thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ”. Đồng thời, đối với người lao động của thời gian nghỉ thai sản thì Bản ghi quá trình đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng ghi rất rõ thời gian nghỉ thai sản và nội dung là “Nghỉ hưởng chế độ thai sản”. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định:

    “Điều 13. Tiếp nhận vào viên chức

    1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm, cụ thể như sau:

    a) Người có đủ 05 năm công tác trở lên đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật.

    Thời gian công tác quy định tại điểm này là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tính thời gian tập sự theo quy định tại Điều 21 Nghị định này...”

    Theo đó thì thời gian công tác quy định tại điểm này là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là thời gian nghỉ việc, không làm chuyên môn, nghiệp vụ thì không được tính làm thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ.

    Như vậy, để tính thời gian công tác đáp ứng điều kiện tiếp nhận viên chức theo quy định nêu trên thì phải đáp ứng là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tính thời gian tập sự.

    Trân trọng./.

    24/05/2024  |  Admin đã phản hồi
Lịch công tác Sở Y tế
Hotline
Đơn vị tài trợ