Cảnh báo ngộ độc thuốc hạ sốt, giảm đau trong điều trị sốt xuất huyết
SKĐS - Trong vài ngày đầu tiên khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao liên tục, đau đầu, đau người dữ dội… nhiều người đã tự ý tăng liều hoặc dùng nhiều lần thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, dẫn tới tăng men gan, tổn thương gan.
Paracetamol hay acetaminophen (Tylenol) là thuốc giảm đau, hạ sốt được dùng cho người bệnh sốt xuất huyết. Thuốc giúp hạ sốt và làm dịu cơn đau đầu, đau mình mẩy… Thuốc được dùng với liều 10-15mg/kg/lần, tối đa 4-6 lần/ngày, không quá 60mg/kg/24 giờ.
Khi bạn làm theo hướng dẫn trên nhãn (chai) thuốc, thuốc sẽ rất hữu ích và an toàn, và nhìn chung nó không gây khó chịu cho dạ dày như các loại thuốc giảm đau khác.
Tuy nhiên, nhiều người thấy sốt không hạ nhiều, đã tăng liều paracetamol hoặc dùng nhiều hơn số lần khuyến cáo trong ngày đã dẫn tới tăng men gan (tổn thương gan). Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy gan.
Paracetamol là thuốc dùng an toàn cho người bị sốt xuất huyết.
Men gan tăng cao thường là dấu hiệu của tình trạng viêm hoặc tổn thương các tế bào trong gan. Các tế bào gan bị viêm hoặc bị thương sẽ rò rỉ một lượng hóa chất nhất định, bao gồm cả men gan (như ALT, AST, GGT, ALP) vào máu cao hơn bình thường, làm tăng men gan khi xét nghiệm máu.
Một trong những nguyên nhân gây men gan cao là thói quen tự ý dùng thuốc, trong đó có thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol.
Nếu chỉ số men gan tăng nhẹ từ 1-2 lần so với giới hạn bình thường thì cơ thể của người bệnh chưa nhận thấy những triệu chứng rõ rệt (chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu). Song, nếu chỉ số men gan tăng hơn 5 lần thì các triệu chứng điển hình của men gan cao sẽ thấy rõ.
Nếu gan đã bị tổn thương do nhiễm trùng, lạm dụng rượu hoặc các bệnh khác, dễ bị tổn thương hơn do dùng quá liều paracetamol. Do đó, những người bị bệnh gan hoặc những người thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn rượu nên đặc biệt cẩn thận khi dùng paracetamol.
Ngay sau khi dùng quá liều paracetamol, bạn có thể không có triệu chứng trong vài giờ. Sau khoảng thời gian đầu tiên này, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
Nôn
Cảm thấy không khỏe
Chán ăn, ăn không ngon
Tiêu chảy
Vào thời điểm bạn nhận thấy có điều gì đó không ổn, gan của bạn có thể đã bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc paracetamol, cần phải được điều trị sớm, trước khi các triệu chứng xảy ra, sẽ giúp người bệnh có thể hồi phục mà không gặp vấn đề sức khỏe lâu dài. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy gan.
Quá liều paracetamol có thể gây tổn thương gan.
3.Phòng ngừa ngộ độc paracetamol như thế nào?
Giữ thuốc ngoài tầm với của trẻ.
Biết liều lượng chính xác của paracetamol và lượng paracetamol trong chế phẩm bạn đang sử dụng.
Paracetamol được tìm thấy trong hơn 600 loại thuốc kê đơn và không kê đơn (OTC), bao gồm thuốc trị dị ứng, thuốc cảm, siro ho, thuốc trị đau đầu… Không bao giờ kết hợp các loại thuốc khác nhau nếu cả hai loại thuốc đều chứa paracetamol. Ví dụ, không nên dùng chung paracetamol với codein và thuốc cảm có chứa paracetamol.
Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ nhãn sản phẩm và hướng dẫn sử dụng thuốc. Không dùng nhiều hơn chỉ dẫn, ngay cả khi bạn vẫn còn đau hoặc cảm thấy không khỏe. Khi bạn tuân thủ liều khuyến cáo, cũng không nên dùng paracetamol quá 10 ngày để giảm đau hoặc 3 ngày nếu bị sốt. Trong trường hợp cảm thấy vẫn không ổn, cần đi khám.
Bất kỳ ai đang dùng thuốc có chứa paracetamol không nên dùng đồ uống có cồn. Nếu bạn uống nhiều hơn ba ly rượu mỗi ngày hoặc bị bệnh gan, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng bất cứ thuốc gì có chứa paracetamol. Bởi trong những trường hợp này, ngay cả liều khuyến cáo cũng có thể khiến gan bị tổn thương nhiều hơn.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-ngo-doc-thuoc-ha-sot-giam-dau-trong-dieu-tri-sot-xuat-huyet-169221112224149242.htm Copy link