A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh

Khi mang thai thì cơ thể của người phụ nữ thay đổi rất nhiều để thích ứng với việc mang thai. Kèm theo đó là những thay đổi về thể chất, sức khỏe của người phụ nữ. Vì thế việc chăm sóc sức khỏe của thai phụ trong suốt thời gian mang thai là rất quan trọng.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hỏi thăm tình hình sức khỏe chị N.H.T sau phẫu thuật. Ảnh do bệnh viện cung cấp
Vào tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cấp cứu cho bệnh nhân N.H.T (29 tuổi) có địa chỉ tại tỉnh Hải Dương mang song thai 35 tuần tuổi. Chị N.H.T nhập viện trong tình trạng vỡ ối sớm. Ca phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, 2 bé gái chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên 2 tiếng sau phẫu thuật người bệnh có diễn biến nặng: Mạch nhanh, huyết áp tụt, mệt mỏi, nôn mửa... Sau khi hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện chẩn đoán sản phụ bị ối tràn máu gây rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để xử trí cho sản phụ ngay trong đêm. Sau phẫu thuật sản phụ đã được theo dõi, điều trị tích cực, sức khỏe ổn định và đã được ra viện.
Theo các chuyên gia y tế, ối tràn máu hoặc thuyên tắc mạch ối là biến chứng sản khoa hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Sản phụ có thể tử vong ngay trong khi phẫu thuật hoặc trong quá trình chuyển dạ sinh thường. Tình trạng thuyên tắc mạch ối có thể diễn ra trong vòng 24h sau khi sinh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ. Vì vậy việc phát hiện và có phương án xử trí kịp thời sẽ bảo vệ an toàn tính mạng của sản phụ.
Để sinh ra một em bé khỏe mạnh thì mỗi người phụ nữ cần được chăm sóc về sức khỏe và thể chất trong suốt quá trình mang thai. Vì sức khoẻ, bệnh tật của người mẹ trong thời kỳ này đều có ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khoẻ của thai nhi.

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh siêu âm thai cho sản phụ.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; 2 lần khám tiếp theo vào 3 tháng cuối. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
Bác sĩ Trần Thị Huyền, Trưởng Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Khám thai định kỳ giúp thai phụ xử lý những bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong suốt quá trình mang thai. Do vậy, không chỉ 3 tháng đầu, mà 3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm rất quan trọng, bởi giai đoạn này bà mẹ sẽ đối diện với nhiều nguy cơ, như đái tháo đường, tiền sản giật, thiếu ối, nhau tiền đạo, thai tăng trưởng chậm, thai chết lưu... Khám thai định kỳ, bên cạnh nhắc tiêm phòng đầy đủ, thai phụ còn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, để giúp thai nhi phát triển, người mẹ luôn khỏe mạnh, giúp bé sinh đúng ngày, đảm bảo trọng lượng thai nhi.
Hiện việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đã được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên cũng có một số người chưa nhận biết được đầy đủ quy trình khám thai ở những mốc quan trọng, vì thế rất khó có thể tầm soát được những nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có nhiều trường hợp bị lưu thai ở tuần thứ 38, 39 của thai kỳ do không được phát hiện những bất thường kịp thời.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tư vấn sức khỏe cho thai phụ.
Bác sĩ Huyền cho biết thêm: Khám thai phải thực hiện đúng các bước cơ bản, như hỏi, khám sản khoa, tiêm phòng, xét nghiệm, siêu âm thai... Vì thế, việc khám và quản lý thai nghén trong 3 tháng đầu cần được các thai phụ thực hiện đúng. Đặc biệt là 3 tháng cuối, sản phụ chủ yếu kiểm tra sự phát triển của thai nhi bằng phương pháp siêu âm, nếu không làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện các bệnh lý có nguy cơ mắc phải, có thể dẫn đến sức khỏe thai suy yếu và chết lưu ngay trong bụng mẹ mà không biết...
Để phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo lối sống, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ lịch hẹn khám thai là nguyên tắc cơ bản trong suốt quá trình chăm sóc sức khỏe thai nhi nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người mẹ và em bé.

Nguồn:https://baoquangninh.vn/de-phu-nu-co-thai-ky-khoe-manh-3254021.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 17
Hôm nay : 1.683
Tháng 12 : 108.019