SKĐS - Mùa hè khí hậu nóng ẩm là thời điểm thuận lợi để bệnh tay chân miệng (hay chân tay miệng) ở trẻ lây lan nhanh, bùng phát thành dịch. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị chân tay miệng đã tự ý tìm mua các loại thuốc bôi về trị cho con. Tuy nhiên, để sử dụng an toàn cần phải hiểu để sử dụng đúng.
1. Mối nguy khi mắc tay chân miệng?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.
Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, các nơi chơi tập trung... là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt trong các đợt bùng phát.
Đa số các trường hợp tay chân miệng nhẹ có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Điều trị bệnh như thế nào?
Theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Do vậy, cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đồng thời, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh, nâng cao thể trạng.
Có thể dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen) nếu sốt cao trên 38,5 độ C và đau nhiều. Không dùng aspirin cho trẻ vì có thể dẫn đến hội chứng Reye gây bệnh lý nguy hiểm ở não và gan, có nguy cơ gây tử vong ở trẻ. Liều dùng paracetamol hạ sốt là 10-15 mg/kg, lặp lại mỗi 4-6h hoặc ibuprofen liều 10mg/kg, lặp lại mỗi 6-8h.
Ngoài ra, có thể cho trẻ uống dung dịch oresol hoặc hydrite. Lưu ý, cần pha đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì hoặc chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc bôi cũng có thể được dùng để tránh bội nhiễm.
Thuốc bôi kháng virus như acyclovir hoàn toàn không có hiệu quả trong điều trị virus gây bệnh tay chân miệng.
Với các vết loét ngoài da, có thể bôi dung dịch sát khuẩn để tránh tình trạng bội nhiễm như: Dung dịch povidine, thuốc đỏ, thuốc tím, xanh methylene.
Tuy nhiên cần hạn chế bôi để bác sĩ nhìn được rõ ràng nốt sang thương nếu chưa chẩn đoán được bệnh tay chân miệng.
Gel bôi chứa thành phần nano bạc an toàn, không chỉ bôi trên các tổn thương ngoài da mà còn sử dụng được cả trong miệng giúp sát khuẩn, nhanh lành tổn thương. Bôi trực tiếp gel lên các tổn thương niêm mạc miệng khoảng 30 phút giúp dịu da, giảm đau đớn khi thức ăn tiếp xúc vết loét.
3.2.Thuốc gây tê cục bộ
Có thể sử dụng một số loại thuốc có thành phần gây tê cục bộ như: Benzocain, lidocain, tetracain,... bôi các nốt trong miệng. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng ức chế quá trình khử cực và ngăn chặn sự truyền xung thần kinh chứ không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh tay chân miệng.
Không những thế, thuốc này còn có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm: Rối loạn nhịp tim, dị ứng, mờ mắt, tê lưỡi. Do đó, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, trẻ dưới 3 tuổi không nên dùng các loại thuốc này.
3.3. Antacid
Với những trường hợp đau miệng nhiều, không ăn uống được, có thể sử dụng antacid dạng gel chấm vào sang thương ở miệng. Antacid có tác dụng bao phủ đáy vết loét, thúc đẩy quá trình chữa lành, tuy nhiên, cần lưu ý nguy cơ hít sặc ở trẻ.
Lưu ý, thuốc bôi kháng virus như acyclovir hoàn toàn không có hiệu quả trong điều trị virus gây bệnh tay chân miệng.
Bên cạnh đó, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý pha loãng đúng nồng độ hoặc dung dịch glycerin borat lau sạch miệng cho trẻ sau mỗi bữa ăn, có tác dụng sát khuẩn và giảm đau, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
4. Lưu ý khi dùng thuốc bôi trị tay chân miệng
Cấu tạo da ở trẻ em rất khác biệt so với người lớn, da của trẻ bị hydrat hóa mạnh, lớp sừng ở da mỏng, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành. Đặc biệt, hệ thống chức năng bảo vệ trên da của trẻ chưa được hoàn thiện, do đó chúng cực kì nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài bao gồm các tác nhân vật lý, hóa học, vi trùng như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm. Chính vì lẽ đó, cần thận trọng trong việc lựa chọn thuốc bôi tay chân miệng cho trẻ.
Các nốt tổn thương tay chân miệng thường ít khi vỡ và sẽ tự thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo. Chỉ với những nốt sang thương to bị vỡ, các nốt ở vùng kín có nguy cơ bị nhiễm trùng mới bôi các loại thuốc sát khuẩn với mục đích đề phòng bội nhiễm. Không được bôi các thuốc kháng viêm mạnh chứa corticoid, do thuốc có thể gây suy giảm miễn dịch và làm bệnh trầm trọng lên.
Tốt nhất để tránh những hậu quả có thể xảy ra, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc bôi trị chân tay miệng cho trẻ.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-dung-thuoc-boi-cho-nguoi-benh-tay-chan-mieng-169230625114645014.htm Copy link