A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rối loạn tâm thần hậu Covid-19

QMG.Khác với căn bệnh về hô hấp khác, Covid-19 có thể tác động đến hầu hết các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não. Một số ít người, việc mắc Covid-19 có thể đi kèm với giai đoạn rối loạn tâm thần hậu Covid-19. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi với bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, về vấn đề này

Bác sĩ cho biết về chứng rối loạn tâm thần sau mắc Covid-19 là gì?

+ Hội chứng hậu Covid-19 hay di chứng sau giai đoạn mắc Covid-19 cấp tính chỉ tình trạng các triệu chứng của bệnh vẫn tồn tại trong hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí có thể kéo dài tới 12 tuần trở lên. Hiện có tới khoảng 200 triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 được ghi nhận gây ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần.

Cơ chế của tình trạng rối loạn thần kinh tâm thần hậu Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh, làm thiếu oxy tế bào não và thoái hóa thần kinh gây rối loạn chức năng não. Một giả thuyết khác là tình trạng viêm và tự miễn, trong đó virus “đánh lạc hướng” hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương.

Bên cạnh đó là tình trạng căng thẳng về tâm lý (stress) của người bệnh khi mắc Covid-19, đặc biệt ở nhóm người vốn có vấn đề về tâm lý tiềm ẩn thì càng dễ bị căng thẳng hơn. Khi đó hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận bị rối loạn sẽ gây ra các rối loạn tâm thần liên quan đến stress.

(Bác sĩ Vũ Minh Hạnh tư vấn, khám sức khỏe cho người bệnh.) 

- Bác sĩ cho biết các rối loạn tâm thần hậu Covid-19 thường gặp?
+ Tình trạng rối loạn tâm thần giai đoạn hậu Covid-19 ngày càng có chiều hướng gia tăng và phổ biến, như căng thẳng về tâm lý, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, hội chứng sương mù não hay suy giảm nhận thức.
Cụ thể, bệnh nhân căng thẳng về tâm lý là cảm thấy lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, buồn bã; dễ cáu gắt, bực bội; giảm/mất khả năng kiểm soát cảm xúc; giảm tập trung, hay quên; mệt mỏi… Rối loạn stress sau sang chấn, luôn hồi tưởng về các sang chấn tâm lý, những ký ức đau buồn; hay cáu giận, tránh nói về Covid-19; giảm khả năng ghi nhớ, cảm giác bị bỏ rơi; hay có những giấc mơ hãi hùng, ác mộng.
Bệnh nhân rối loạn trầm cảm thì luôn cảm thấy buồn sầu, ủ rũ, đau khổ, chán nản, bi quan; giảm hoặc mất hết các hứng thú, sở thích; ăn uống không ngon miệng, sút cân; ngủ ít, khó ngủ trở lại; có ý tưởng và hành vi tự sát.
Rối loạn lo âu, bệnh nhân lo lắng quá mức, khó kiểm soát; dễ kích thích, dễ cáu giận; cảm thấy bồn chồn, hồi hộp trống ngực; đau mỏi nhiều nơi, run tay, căng cơ, vã mồ hôi, cơn nóng lạnh… Rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, hay thức giấc, khó ngủ trở lại, ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng. Hội chứng não sương mù dẫn đến suy giảm trí nhớ, hay quên, có lúc cảm giác như bị lẫn, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm chạp; mất đi sự sáng suốt, rõ ràng trong các hoạt động tâm thần; mất tập trung chú ý; suy giảm nhận thức.
-  Nên làm gì khi có biểu hiện di chứng tâm thần hậu Covid-19, thưa bác sĩ?
+ Việc đánh giá nguy cơ và can thiệp sớm cho nhóm bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 là rất quan trọng. Can thiệp sớm bằng các phương pháp như trị liệu tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể xảy đến trên những người hậu nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân nhẹ có thể tự kiểm soát với sự hỗ trợ chuyên môn; nếu can thiệp tâm lý đơn thuần mà không hiệu quả thì chỉ định dùng thuốc chuyên khoa tâm thần, tăng cường tuần hoàn não, bổ sung các vitamin nhóm B, C, D và điều trị các bệnh lý cơ thể kèm theo.
Một số hoạt động có lợi cho người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 như tăng cường tập luyện thể dục hàng ngày (tập thở, yoga, đi bộ, bơi); tham gia các hoạt động về trí não, suy nghĩ tích cực; giảm căng thẳng trong công việc, cuộc sống; nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng; tăng cường kết nối bằng cách gọi điện thoại, thông qua mạng xã hội...
Cần lưu ý là khi có các biểu hiện của hội chứng hậu Covid-19 không nên tự ý điều trị, sẽ bỏ lỡ giai đoạn điều trị tốt nhất, khiến tình trạng bệnh có nguy cơ nặng hơn. Do vậy việc khám sức khỏe hậu Covid-19 là điều cần thiết và khoa học cho những người sau khi khỏi bệnh trong vòng 3 tháng đầu.
- Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguồn:Baoquangninh.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 3.558
Tháng 05 : 74.922