A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ mắc tay chân miệng nên chăm sóc, ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh?

SKĐS - Trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng cần được bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn điều trị cụ thể. Trong trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ (độ 1) có thể điều trị tại nhà. Trẻ cần được chăm sóc đúng cách và đảm bảo dinh dưỡng tốt để nhanh hồi phục.
1. Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được điều trị chăm sóc đúng cách
Theo TS. BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cách đơn giản để nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng là trẻ có biểu hiện: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Khi trẻ sốt cao mà không hạ được nhiệt độ thì đây là dấu hiệu của tình trạng nặng; Có thể có các rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như trong họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc. Các trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ (độ 1) có thể điều trị tại nhà nhưng người chăm sóc trẻ phải chăm sóc đúng cách, biết phát hiện sớm các triệu chứng nặng và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. 
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, hỗ trợ như: hạ sốt, cho trẻ uống đủ nước, đủ dinh dưỡng, vệ sinh các vùng da có mụn phỏng, nhất là các vết loét trong miệng. Cha mẹ có thể dùng các thuốc làm giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng cho trẻ theo hướng dẫn.
Để phòng tránh bội nhiễm, cần vệ sinh da cho trẻ, có thể tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Ngoài ra nên dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm cũng là biện pháp tránh bội nhiễm.
Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng sẽ gây đau khi ăn dẫn đến ăn kém, bỏ ăn, có nguy cơ hạ đường máu. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tốt để trẻ nhanh hồi phục.

Trẻ mắc tay chân miệng nên chăm sóc, ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh? - Ảnh 2.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường bị đau rát miệng, khó ăn uống.
2. Cách chăm sóc dinh dưỡng giúp trẻ bị tay chân miệng nhanh hồi phục
2.1. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu
Do trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét gây đau rát làm trẻ khó ăn uống. Vì vậy cần cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như súp, cháo loãng, sữa…
Các món cháo, súp chứa nhiều nước giúp cung cấp tân dịch cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do trẻ sốt. Cháo, súp cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Dạ dày không phải làm việc nhiều, hỗ trợ giảm được các triệu chứng bệnh tiêu hóa. 
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại cháo, súp như: cháo thịt gà, cháo thịt bò, cháo trứng, cháo thịt băm, cháo sườn, cháo tôm, súp tôm… kết hợp với các loại rau củ như: cà rốt, bí đỏ, khoai tây, nước rau củ… để cung cấp protein, calo, vitamin, khoáng chất. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết giúp cải thiện các triệu chứng viêm đường hô hấp và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi khi trẻ bị ốm.
Không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa khiến trẻ sợ hãi hoặc dễ nôn trớ. Nên cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn. Các bữa cách nhau khoảng 3 giờ.
Đối với trẻ còn bú nên duy trì bú mẹ, cho trẻ bú thành nhiều lần để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.
BS. Nguyễn Lê Kim
Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi cũng rất quan trọng. Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích, thức ăn cần mềm, loãng cho dễ nuốt, nguội vì thức ăn cứng, nóng làm trẻ đau rát miệng. Có thể thay thế bằng cách uống sữa, ăn bún, miến, phở không cần nhất thiết phải ăn cháo, cơm.
2.2. Cho trẻ uống nhiều nước
Để giúp dịu họng, giảm đau các vết loét, ngoài việc cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 3-4 lần mỗi ngày, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ nên uống nước lọc, nước trái cây, sữa, nước dừa tươi…
Nước dừa tươi tốt vì nó chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất điện giải và chất chống oxy hóa. Cho trẻ bị tay chân miệng uống nước dừa có thể giúp trẻ giảm đau trong miệng và giữ cho cơ thể đủ nước.
 
2.3. Chế độ dinh dưỡng chú ý tăng cường sức đề kháng
Trong chế độ ăn của trẻ bị tay chân miệng nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục.
Vitamin A là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là phát triển của các mô trong hệ cơ xương. Vitamin A giúp duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, bảo vệ mắt, tăng cường khả năng miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Vitamin A góp phần bảo tồn chức năng của đường hô hấp suốt quá trình và trong sự hồi phục sau khi nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin A là: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm, các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí…; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten). Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.

Trẻ mắc tay chân miệng nên chăm sóc, ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh? - Ảnh 5.

Nên ưu tiên thực phẩm giàu vitamin A để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch bị tổn thương, khiến trẻ dễ mắc bệnh cảm lạnh và nhiễm trùng khác thường xuyên hơn.
Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt như: chanh, cam, bưởi, ổi, kiwi, đu đủ, dâu tây…; các loại rau như: bông cải xanh, cà chua, ớt chuông… Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế các loại nước trái cây có tính axit như cam, chanh, đồ chua khi trẻ bị đau rát miệng lưỡi.
Kẽm có vai trò đặc biệt quan trọng với hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại nhiễm trùng. Kẽm cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nhanh hồi phục.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm tốt cho trẻ bị tay chân miệng bao gồm: thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, đậu nành, đậu xanh, hạnh nhân, giá đỗ, khoai lang, hành tây, cà rốt, nấm, rau chân vịt…

Trẻ mắc tay chân miệng nên chăm sóc, ăn uống thế nào để nhanh khỏi bệnh? - Ảnh 6.

Cháo trứng gà cung cấp dinh dưỡng và bổ sung kẽm cho trẻ bị tay chân miệng.
3. Một số điều cần lưu ý
  • Không nên cho trẻ ăn thức ăn nóng và cứng.
  • Không nên cho trẻ ăn đồ chua, nhiều gia vị, đồ ăn mặn, cay.
  • Hạn chế những thực phẩm cần phải nhai nhiều.
  • Dùng thìa mềm cho trẻ ăn
  • Sau bữa ăn nên súc miệng bằng nước ấm
  • Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như: bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, thìa đũa... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt.

Nguồn:Sức khỏe và đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 1.941
Tháng 03 : 63.165