A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường?

SKĐS - Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ...
Tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần, hệ luỵ sức khoẻ tăng theo
Dẫn thông tin của Tổ chức y tế thế giới (WHO), bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, khái niệm đồ uống có đường cho tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn (solf-drink) có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks).

Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường? - Ảnh 1.

Tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người.
Bà Trang cho biết tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người. Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của WHO.
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Đồ uống có đường còn gây ra gánh nặng cho cá nhân, xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.
Chính vì thế Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25gam) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết thêm nghiên cứu tại các nước cho thấy có mối liên quan thuận giữa tăng tiêu thụ nước ngọt và cân nặng, tăng vòng eo, tăng mỡ trong cơ thể. Ở nữ tiêu thụ từ trên 1,3 lon đồ uống có đường/ngày nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch tăng 3.2 lần so với nữ tiêu thụ đồ uống có đường ít hơn. 
Sử dụng nhiều đồ uống có đường còn làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin.

Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường? - Ảnh 2.

Lượng đường trong một số sản phẩm đồ uống có đường.
Bộ Y tế đề xuất đồ uống càng nhiều đường càng bị đánh thuế cao    
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy, số liệu tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam lần lượt là 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít năm 2020; tỷ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống chung tại Việt Nam năm 2020 là khoảng 34,1 lít/người/năm, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga là 15,5 lít/người/năm.
Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi từ 15-45 chiếm hơn 46%, đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của nhà sản xuất.
Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn và quảng cáo; giảm tính sẵn có; hoạt động truyền thông; áp dụng chính sách thuế và giá.
Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Tại dự thảo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh thuế đồ uống có đường, Bộ Y tế cho rằng, căn cứ trên mức tăng trưởng tiêu dùng rất cao của các dòng sản phẩm nước ép hoa quả, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền giai đoạn 2010-2019 và dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% giai đoạn 2020-2025 có thể nhận thấy trong tương lai không xa, các sản phảm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường? - Ảnh 3.

Tác hại của đồ uống có đường với sức khoẻ
Bên cạnh đó, dòng sản phẩm đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được vị thành niên Việt Nam và nữ giới ưa thích, sẽ góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở nhóm người tiêu dùng này.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn, đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống và sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao.
"Việc áp thuế sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Giải pháp thuế khiến tăng mức giá bán lẻ ngày càng cao thì lợi ích thu được về là sức khỏe cộng đồng và nguồn thu ngân sách sẽ càng lớn", bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Với mục tiêu thể chế Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045;
Ngày 29/01/2022, Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025. Tại các văn bản này đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng để giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong, trong đó đã nhấn mạnh việc "xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay, tại Việt Nam gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường….
Cùng đó tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-who-va-cac-chuyen-gia-y-te-khuyen-cao-giam-tieu-thu-do-uong-co-duong-169230326232616163.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 7
Hôm nay : 2.617
Tháng 03 : 63.841