A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 25 triệu người Việt đã có hộ chiếu vaccine, khó hoàn thành tiến độ 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng

SKĐS - Thông tin từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 25 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine. Sau hơn 1 tháng triển khai công tác "làm sạch" dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vaccine, các chuyên gia đánh giá hiện nay việc triển khai là chậm...
Công tác 'làm sạch' dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vaccine còn chậm
Ông Nguyễn Bá Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 26/5, đã có hơn 25 triệu người được ký xác nhận hộ chiếu vaccine.
"Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, sau hơn 1 tháng triển khai công tác 'làm sạch' dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vaccine chúng tôi đánh giá hiện nay việc triển khai là chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra"- ông Hùng nói.
Về lý do của việc triển khai chậm việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng phục vụ cho ký xác nhận hộ chiếu vaccine, theo ông Nguyễn Bá Hùng, trước hết do việc triển khai các văn bản Bộ Y tế tới các đơn vị tuyến dưới ở một số tỉnh còn chậm trễ, các tỉnh cũng chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt và thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Hơn 25 triệu người Việt đã hộ chiếu vaccine, khó hoàn thành tiến độ 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng - Ảnh 1.
Thông tin từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 25 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine.
Tiếp đến, công tác "làm sạch" dữ liệu có sự tham gia của lực lượng công an cơ sở, tuy nhiên thiếu sự chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 các cấp, không huy động sự vào cuộc của các lực lượng khác để hỗ trợ ngành y tế.
"Ví dụ, có những trạm y tế hiện nay có khoảng 15 nghìn đối tượng bị sai thông tin trong khi chỉ có 1 nhân viên y tế thực hiện công việc rà soát, xác minh rồi nhập lại dữ liệu vào phần mềm"- ông Bá Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, trong thời điểm cao điểm dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố, việc thực hiện tiêm chủng cho người dân là ưu tiên hàng đầu, rất nhiều người dân khai thông tin chưa đầy đủ, chính xác dẫn tới việc hiện nay không đủ thông tin để tiến hành xác minh.
Yếu tố tiếp theo là hệ thống ký xác nhận hộ chiếu vaccine hoạt động chưa ổn định, đôi khi bị quá tải khi các cơ sở tiêm chủng đồng loạt thực hiện ký với số lượng lớn.
Sai thông tin, sẽ không có hộ chiếu vaccine
Trước băn khoăn về việc người dân tiêm các mũi vaccine tại các cơ sở y tế khác nhau, rồi việc nhập sai thông tin, dữ liệu tiêm của người dân ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ xác nhận hộ chiếu vaccine, ông Hùng nhấn mạnh: Người dân tiêm vaccine tại các cơ sở khác nhau chỉ cần cơ sở tiêm mũi cuối cùng ký xác nhận. Việc cơ sở tiêm chủng nhập sai thông tin thì người dân sẽ không nhận được hộ chiếu vaccine.
Theo quy định của Bộ Y tế, đối với người dân Việt Nam thông tin phải được xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới thực hiện ký xác nhận được; đối với người nước ngoài tiêm tại Việt Nam thì sử dụng số hộ chiếu, cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về tính chính xác và thực hiện ký, không phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo ông Bá Hùng, thực tế quy trình ký xác nhận hộ chiếu vacine như hiện nay ( quy trình gồm 3 bước- PV) là tối ưu, đơn giản và thực hiện hoàn toàn online, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì.
"Chúng tôi gọi là "ký xác nhận hộ chiếu vaccine" chứ không phải cấp hộ chiếu vaccine. Bản chất là các cơ sở tiêm chủng phải nhập dữ liệu và ký số xác nhận. Hiện nay nhiều người dân chưa có hộ chiếu vaccine là do cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế về rà soát, "làm sạch" dữ liệu; chưa triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine"- ông Bá Hùng bày tỏ.
Trước thông tin có một số ý kiến lại cho rằng, 'chúng ta nên tổ chức cấp hộ chiếu vaccine cho người có nhu cầu thay vì cấp đại trà cho người dân như hiện nay', ông Hùng cho hay hộ chiếu vaccine hiện nay được hiểu là chứng nhận tiêm vaccine điện tử được ký điện tử xác nhận, cũng giống như người dân đi tiêm thì nhận chứng nhận giấy. Do đó, tất cả người dân đã tiêm chủng COVID-19 sẽ nhận được chứng nhận tiêm vaccine điện tử.
"Về mặt kỹ thuật thì việc ký cho 1 người và 1.000 người là như nhau, và sẽ không phát sinh thêm công việc cho cả người dân và nhân viên y tế"- ông Bá Hùng cho biết.
Liên quan đến việc 'làm sạch' dữ liệu, Bộ Y tế đã có công văn số 2262/BYT-CNTT ngày 4/5 gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành về hướng dẫn quy trình 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, trong đó đề nghị phải hoàn thành 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022.
Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế thông tin thêm, để tháo gỡ một số khó khăn trong 'làm sạch' dữ liệu, ký xác nhận hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế đã đề nghị Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đôn đốc, yêu cầu các địa phương hoàn thiện Quy chế, kế hoạch hoạt động Tổ công tác Đề án 06 các cấp và điều hành, đôn đốc hoạt động của Tổ.
Để hỗ trợ các địa phương trong việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an thực hiện xuất danh sách các đối tượng tiêm chủng có căn cước công dân nhưng sai thông tin cơ bản để Bộ Y tế cập nhật lại vào phần mềm tiêm chủng.
Cùng đó, Cục Công nghệ thông tin đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục các lỗi phát sinh liên quan đến việc ký xác nhận hộ chiếu vaccine.
"Và cuối cùng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương"- ông Hùng nói.

Nguồn:Theo Sức khỏe & đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 668
Tháng 04 : 64.215