A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết

SKĐS - GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết của Nhật Bản.
Trao đổi bên lề hội nghị khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trong y học do Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức hôm nay 12/10, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp 2 - tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.
Vừa qua, một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm tiêm vaccine này.

Việt Nam sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Văn Kính cho rằng vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: Với vaccine phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Theo các chuyên gia, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tại Việt Nam, tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.
Đến đầu tháng 10/2023, cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong. Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.143; hiện còn 264 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 506 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 365 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có 81 bệnh nhân…
Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng nề khi mắc. GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay diễn biến chung của sốt xuất huyết là rất cấp tính trong vòng từ 2-7 ngày, do đó các thầy thuốc cần lưu ý để xử lý kịp thời các dấu hiệu cảnh báo. Bản thân mỗi cá nhân và cộng đồng cần lưu tâm đến sốt xuất huyết. Nếu bị sốt nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, có thể làm xét nghiệm trong 3 ngày đầu để phát hiện bệnh.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, dự báo, tình hình biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino kéo dài trong năm 2023-2024 là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản. Đây là cơ hội để các bệnh truyền nhiễm do muỗi, đặc biệt là sốt xuất huyết lây lan.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  • Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-se-tham-gia-tiem-thu-nghiem-vaccine-sot-xuat-huyet-16923101213264071.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 31
Hôm nay : 1.743
Tháng 10 : 35.447