Cách làm dịu triệu chứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi
SKĐS – Sau tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ có thể gặp một vài tác dụng phụ gây khó chịu. Vậy, làm thế nào để giúp làm dịu các triệu chứng này?
1. Tác dụng phụ sau tiêm vaccine phòng COVID-19
Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ có thể gặp những phản ứng không mong muốn:
1.1.Phản ứng thông thường
- Sốt.
- Đau chỗ tiêm.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Đau cơ.
1.2.Phản ứng hiếm gặp
Trẻ hiếm khi gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Phản ứng này có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến một giờ sau tiêm một liều vaccine. Do vậy, trẻ được yêu cầu phải ở lại cơ sở chủng ngừa để theo dõi sau tiêm chủng.
Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Khó thở.
- Sưng mặt và họng.
- Nhịp tim nhanh.
- Phát ban nặng khắp cơ thể.
- Chóng mặt, mệt mỏi.
1.3. Phản ứng rất hiếm gặp
Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim là tác dụng phụ rất hiếm gặp. Tuy nhiên, tác dụng phụ này đã được báo cáo xảy ra ở một số người sau tiêm vaccine. Hầu hết các trường hợp có xuất hiện triệu chứng trong vài ngày sau khi chủng ngừa liều vaccine thứ hai.
Sau tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ có thể mệt mỏi, sốt.
2. Cách làm dịu các triệu chứng sau tiêm
Nếu trẻ đau chỗ tiêm:
- Trẻ có thể bị đau chỗ tiêm, hoặc cánh tay vài ngày. Để giảm đau tại vị trí tiêm chủng, có thể áp khăn sạch, mát và ẩm hoặc giúp trẻ vận động nhẹ cánh tay được tiêm.
- Có thể cho trẻ uống paracetamol giúp giảm đau sau khi tiêm.
Nếu trẻ sốt:
- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ sau tiêm, có thể cho trẻ uống paracetamol giúp hạ sốt.
- Ngoài ra, để giúp giảm cảm giác khó chịu do sốt, cho trẻ uống nhiều nước và mặc áo quần mỏng.
Lưu ý, uống paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi 4 – 6h. Các bậc cha mẹ nên nhớ không được dùng nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt cùng một lúc, do có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ mệt mỏi:
Không dùng bất kỳ loại thuốc nào để phòng các triệu chứng đau nhức, sốt... sau khi tiêm vaccine. Không cho trẻ uống thuốc chống dị ứng để phòng dị ứng vì việc uống thuốc này không giúp phòng phản ứng dị ứng nghiêm trọng mà còn làm giảm các triệu chứng dị ứng và khiến việc chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ. Tuy nhiên, nếu trẻ có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine trước đó hoặc bất kỳ thành phần nào của vaccine, hãy thảo luận trước với bác sĩ về những việc cần làm.
Để trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ dưỡng chất trước khi tiêm chủng. Điều này giúp hệ miễn dịch trẻ đáp ứng tốt với vaccine.
3. Làm gì để giảm thiểu tác dụng phụ của vaccine?
Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn của tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cần lưu ý:
- Có thể bổ sung vitamin D cho trẻ trước khi tiêm chủng, điều này có thể giúp cơ thể trẻ đáp ứng tốt hơn với vaccine. Việc bổ sung vitamin D cũng nên tiếp tục khi trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Sau tiêm tránh cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo…; thực phẩm nhiều dầu, mỡ, đồ chiên rán; thực phẩm chế biến sẵn như pizza, xúc xích, đồ đóng hộp...
- Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ có thể sẽ chán ăn, do vậy hãy chuẩn bị các loại bánh, trái cây hay súp cháo gà, bò..
- Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh…
Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, trẻ có thể sẽ chán ăn...
4. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Nếu gặp một trong những triệu chứng khác thường, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời:
- Sốt trên 39 độ C.
- Co giật.
- Áp xe tại vết tiêm.
- Phản ứng quá mẫn cấp tính.
- Trẻ nổi mề đay, mẩn ngứa, khó bắt mạch, đau bụng, khó thở… Đây là triệu chứng của sốc phản vệ, trẻ cần được cấp cứu ngay lập tức.
- Trẻ co giật, nhìn khó, phù chi dưới, tức ngực, cảm giác tim đập nhanh, rung rinh hoặc đập thình thịch…