SKĐS - Theo thống kê, tuần 39 cả nước ghi nhận 5.666 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Cà Mau. Riêng tại Hà Nội, tuần qua ghi nhận 2.601 ca mắc. Chuyên gia tiếp tục cảnh báo những dấu hiệu sốt xuất huyết chuyển nặng cần đặc biệt lưu ý, để tránh hậu quả đáng tiếc...
Một tuần Hà Nội ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, so với tuần trước số mắc sốt xuất huyết tuần 39 giảm 2,7%. Trong đó, số nhập viện là 4.302, so với tuần trước số nhập viện giảm 2,1%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (240.419/121) số mắc giảm 58,6%, tử vong giảm 94 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6- 13/10), thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Quận Hà Đông là địa bàn dẫn đầu về số ca mắc với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca. Các quận, huyện còn lại: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm ghi nhận từ 120 -124 ca. Trong tuần qua ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Như vậy, thống kê trong 3 tuần gần đây (tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến nay), số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Lý giải nguyên nhân số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW cho rằng thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Cụ thể, trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, mùa đông ở miền Bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch COVID-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh…
Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng cần đặc biệt lưu ý
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Tại các bệnh viện tuyến cuối, ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch, trong đó có cả người trẻ. Nhiều trường hợp vì điều trị tại nhà, chủ quan đến bệnh viện muộn đã có những hậu quả đáng tiếc.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:
Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.
Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.
Một số bệnh nhân đau khắp bụng.
Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)
Chảy máu chân răng, xuất huyết…
"Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh có nguy cơ diễn biến nặng. Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng… Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…"- BSCKII Nguyễn Trung Cấp nói.
Tại lớp tập huấn về điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Bắc do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số địa phương vừa diễn ra, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh: đề nghị các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn, đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, dịch truyền cũng như các chế phẩm máu,.. để có thể sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh nhân; chú trọng việc theo dõi điều trị bệnh nhân, đặc biệt thời điểm nghỉ lễ, giao ca. Các bệnh viện củng cố duy trì nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue tại bệnh viện, thiết lập đường dây nóng...
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/ca-nuoc-co-hon-99600-ca-mac-sot-xuat-huyet-ha-noi-mot-tuan-ghi-nhan-136-o-dich-169231017104612373.htm Copy link