A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Hiện tại đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, vào mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, mới đây Bộ Y tế đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung công tác. Cụ thể là tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn...
Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả...
Triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để diệt lăng quăng, bọ gậy...
Thực tế cho thấy, hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6/2022, cả nước ghi nhận khoảng 77 ngàn ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10 ngàn ca so với tuần trước đó. Và đã có hàng chục trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại hiện nay là dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.
Các chuyên gia cũng cho hay, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn...
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Trong khi đó muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian. Do vậy cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt loại muỗi gây bệnh tận gốc, cụ thể đó là lăng quăng và bọ gậy. Khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể...

Nguồn:Báo Quảng Ninh điện tử Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 579
Tháng 01 : 9.449