A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đã có 258.480 ca sốt xuất huyết, 102 trường hợp tử vong, cảnh báo đưa trẻ mắc bệnh đến viện muộn

SKĐS - Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 tử vong; Các chuyên gia cảnh báo tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết dengue dễ trở nặng
Cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 ca tử vong
Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (54.219/21) số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp.
Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. 
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…

Đã có 258.480 ca sốt xuất huyết, 102 trường hợp tử vong, cảnh báo đưa trẻ mắc bệnh đến viện muộn - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. (Ảnh: P.T)
Tại TP. HCM, tính từ đầu năm tới ngày 9/10 đã ghi nhận 64.461 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 627,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã có 26 ca tử vong trong đó 75% số ca tử vong là người lớn. 
Dù tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm nhưng số ca nặng nhập viện vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Để hạn chế số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế TP. HCM đã quyết định áp dụng mô hình tháp 3 tầng theo kinh nghiệm của điều trị COVID-19 để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
2 nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện muộn
Theo các chuyên gia, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh COVID-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện muộn trong thời gian gần đây. Thứ nhất, do phụ huynh chủ quan. Rất nhiều phụ huynh khi con có các dấu hiệu cảnh báo bệnh như sốt, mệt mỏi nhưng không nghĩ con mắc sốt xuất huyết mà lại nghĩ con chỉ bị cảm cúm thông thường và tự mua thuốc về điều trị. Tới khi trẻ trở nặng thì mới đưa con nhập viện.
Thứ hai, phụ huynh đã đưa trẻ tới bệnh viện sớm khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh nhưng lại đưa tới các phòng mạch tư không có chuyên khoa nhi nên bị chẩn đoán nhầm bệnh sốt xuất huyết thành các bệnh như viêm hô hấp trên hoặc bệnh tiêu chảy. Đồng thời, phụ huynh không được dặn dò kỹ cho nên khi con trở nặng thì phụ huynh mới cho con nhập viện.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.
"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.
Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội" – ông Trung nhấn mạnh.
Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ nay đến tháng 11.
Bộ Y tế khuyến cáo, đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/da-co-258480-ca-sot-xuat-huyet-102-truong-hop-tu-vong-canh-bao-dua-tre-mac-benh-den-vien-muon-169221018111732614.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 4.001
Tháng 04 : 51.466