A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai

SKĐS - Năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg...vẫn xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là sự cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia...
Ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Năm nay, Ngày Quốc tế dịch bệnh có thông điệp: "Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai".

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia
Nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 do Bộ Y tế tổ chức hôm 26/12, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh: Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, góp phần hạn chế dịch bệnh bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe người dân.
Theo Bộ Y tế, tình hình các bệnh truyền nhiễm nói chung vẫn luôn diễn biến khó lường, khó dự báo. Đơn cử năm 2024, thế giới ghi nhận 13,3 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết; hơn 9.600 trường hợp tử vong.
"Số mắc sốt xuất huyết tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây và hiện đang lưu hành trên 100 quốc gia: châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó tại khu vực Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là nghiêm trọng nhất"- TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.
Một dịch bệnh khác cũng tăng cao trên toàn thế giới sau đại dịch COVID-19, đó là dịch bệnh sởi. Năm 2024 dịch bệnh này gia tăng mạnh tại nhiều nơi.
"Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới; 5 năm qua, dịch sởi bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt dưới hoặc khoảng 80%)"- TS Lương Tâm cho biết...

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai- Ảnh 2.

Năm 2024, trên toàn quốc, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.
Cùng đó, năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg...vẫn xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là sự cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia.
Nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta năm nay, Bộ Y tế nhận định, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023.
Năm qua nước ta cũng không ghi nhận các trường hợp bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập.
"Năm 2024 xảy ra cơn bão Yagi lớn nhất từ trước đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng, chủ động nên các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau thiên tai, bão lũ được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch lớn tại các địa bàn bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ bệnh truyền nhiễm, triển khai tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiến độ
Trong bối cảnh công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh diễn biến khó lường, nhất là vào thời điểm hiện tại diễn biến thời tiết cuối năm thay đổi bất thường và gia tăng giao thương, đi lại trong dịp lễ, tết và mùa lễ hội nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai- Ảnh 3.

Đại diện Cục Thú Y cho biết về nguy cơ dịch bệnh truyền từ động vật sang người hiện đã xác định được 1.415 tác nhân gây bệnh trên người.--
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 và bố trí kinh phí khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng.
"Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị xây dựng phương án giá, trong đó có giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng. Bộ Y tế đề nghị Lãnh đạo Sở Y tế khẩn trương thẩm định trình UBND tỉnh phương án giá để gửi Bộ tổng hợp, xây dựng giá tối đa theo quy định tại Luật Giá 2023. Sở Y tế các địa phương cũng tham mưu chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, huy động sự tham gia các ban, ngành, đoàn thể các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Cùng đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus và các bệnh thường xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm;
Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tổ chức đáp ứng kịp thời, hiệu quả để kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong. Chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiến độ và tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng chống dịch sởi để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai- Ảnh 4.

Tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh cho trẻ.
Đảm bảo kinh phí, thuốc, vaccine, vật tư, nhân lực cho điều trị và phòng, chống dịch bệnh
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong tình huống ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, thiết bị, nhân lực cho điều trị và phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tập trung truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe và vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đối với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học;
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người...

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12: Cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai- Ảnh 5.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, phòng chống dịch nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/ngay-quoc-te-phong-chong-dich-benh-27-12-cung-hanh-dong-manh-me-hon-de-ngan-ngua-va-kiem-soat-dai-dich-trong-tuong-lai-169241227082815837.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 16
Hôm nay : 2.880
Tháng 01 : 98.159