A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều trẻ nhập viện do sốt, nôn, tiêu chảy

Những ngày qua, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị nôn kèm đau bụng, tiêu chảy vào khám, điều trị do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân gây nôn, đau bụng ở trẻ do nhiễm khuẩn tiêu hóa bởi virus, vi khuẩn là phổ biến.

 

 

Bác sĩ khoa Hô hấp-Tiêu hóa-Thần kinh-Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thăm khám cho bệnh nhi bị bệnh đường tiêu hóa. 

 

Ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 70-100 trẻ tới thăm khám các vấn đề về tiêu hóa, tăng cao so với trước đó. Theo bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Trẻ nhập viên có tình trạng nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt cao liên tục, mất nước, mệt lả… Trẻ mắc bệnh ở đa dạng các lứa tuổi, thậm chí có cả ở trẻ sơ sinh. Tình trạng nhiều trẻ mắc bệnh tiêu hóa phải nhập viện như trên là không bất thường. Bởi trên thực tế, bệnh đường tiêu hóa thường xảy ra vào mùa hè, khi môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Chị Lê Ngọc My, ở TX Quảng Yên có con đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi với các triệu chứng nôn, tiêu chảy, chia sẻ: Những ngày qua, trên mạng xã hội, không ít phụ huynh chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ nôn liên tục, tiêu chảy… khiến tôi khá lo lắng. Vì vậy, tôi đưa con đến bệnh viện khám và điều trị. Đến nay, sức khỏe con đã ổn định hơn.
Theo thống kê riêng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chỉ khoảng 7-10% các trường hợp trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy đến khám bệnh cần nhập viện điều trị. Các trường hợp còn lại được hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà song cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, nhất là trong việc sử dụng thuốc cho trẻ.
Bác sĩ Trương Văn Thế, Phụ trách Khoa Hô hấp-Tiêu hóa-Thần kinh-Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, khuyến cáo: Các bậc phụ huynh không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì có thể gây loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến tác dụng không mong muốn; tránh uống thuốc cầm nôn và tiêu chảy vì sẽ làm giảm nhu động ruột, không đào thải được nguyên nhân nhiễm khuẩn, khiến bệnh có xu hướng kéo dài. Khi cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol) cần chú ý pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn.
Tình trạng này cũng xuất hiện tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, cho hay: Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca bệnh nhi với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải… Các trẻ đều được xác định nguyên nhân bị nhiễm trùng đường ruột do virus như Rotavirus, Adenovirus...; ngộ độc thực phẩm hoặc do tình trạng cơ thể mệt mỏi, thay đổi thời tiết. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam nhiều virus, vi khuẩn dễ gây ngộ độc, bệnh tiêu hóa. Tình trạng này không phải là dịch bệnh lây lan như nhiều phụ huynh đang lo lắng.
Theo bác sĩ Điệp, thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do Rotavirus. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đưa trẻ đi uống vắc xin phòng Rotavirus, hoàn thành trước 6 tháng tuổi. Đồng thời cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin để phòng bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Khi trẻ đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở nhi khoa hoặc chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa để được các bác sĩ thăm khám. Tại đây, bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng để xác định chính xác nguyên nhân. Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà hướng xử trí, điều trị sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ, nhất là ở thời điểm giao mùa và mùa hè này, các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm đúng cách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến và sử dụng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi và môi trường xung quanh trẻ…

 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng MIS-C hậu Covid-19. Ảnh chụp tháng 3/2022.

 
Với những trẻ có tiền sử mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với người mắc Covid-19, sống trong vùng dịch, cha mẹ cũng cần lưu ý các biểu hiện đau bụng và nôn. Khi có biểu hiện này trẻ cần được đi khám vì trẻ có thể bị viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tụy cấp, tràn dịch ổ bụng; mắc hậu Covid-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)…
Cũng theo các bác sĩ, tất cả trẻ xuất hiện nôn, tiêu chảy, sốt, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến dịch viêm gan bí ẩn xuất hiện gần đây trên thế giới.

 

 


Nguồn:https://baoquangninh.com.vn/tre-nhap-vien-do-non-tieu-chay-do-nhieu-nguyen-nhan-3186932.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 18
Hôm nay : 2.195
Tháng 03 : 60.334