A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi nào 100% cơ sở khám chữa bệnh kê đơn thuốc điện tử toàn diện?

SKĐS - Tính minh bạch, liên thông của đơn thuốc điện tử là rõ ràng. Để hiểu rõ hơn thực hiện kê đơn thuốc điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội tin học Y tế Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, kê đơn thuốc điện tử hiệu quả như thế nào và tại sao các bệnh viện, cơ sở y tế cần thiết phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử? 

Ông Nguyễn Hữu Trọng: Luật khám chữa bệnh và Luật dược của chúng ta từ trước tới nay chặt chẽ, trong đó quy định về việc quản lý hành nghề, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn là những quy định bắt buộc. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công cụ giám sát thực thi còn chưa có nhiều nên một số nơi, tới thời điểm này, việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc vẫn diễn ra. Người bệnh có thể tự kê đơn cho mình. Người dược sĩ, dược tá thậm chí người trông coi cửa hàng thuốc cũng có thể ra đơn thuốc cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm của bản thân… 

Đối với các đơn thuốc hiện nay, sẽ rất khó đảm bảo sự minh bạch. Ví dụ cụ thể như sau: Tính chính xác, xác minh của đơn thuốc là rất khó khăn. 

Ai cũng có thể chế ra 1 đơn thuốc bằng máy tính của mình theo đúng biểu mẫu quy định hoặc tự viết tay trên bản giấy. 

Khi nào 100% cơ sở khám chữa bệnh kê đơn thuốc điện tử toàn diện?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam

Khi sử dụng đơn ra mua tại cơ sở bán lẻ thuốc không cơ sở nào có thể thẩm định đây đúng là đơn thuốc thật được kê từ cơ sở khám chữa bệnh và người bác sĩ cụ thể hay không? 

Việc ghi nhận số lượng thuốc đã bán trên mỗi đơn thuốc là chưa thể kiểm soát. 

Người bệnh có thể dùng 1 đơn thuốc để thực hiện mua tại nhà thuốc bệnh viện rồi tiếp tục tới với tất cả các nhà thuốc tư nhân khác để mua nhiều lần. Không cơ sở bán lẻ thuốc nào có thể biết đơn thuốc cụ thể đó đã bán rồi hay chưa? Bán một phần hay tất cả số thuốc đã kê?. 

Về thời gian hiệu lực của đơn thuốc. Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, quy định thời gian hiệu lực của đơn thuốc ngoại trú là 05 ngày. Sau thời gian này nếu người bệnh chưa mua thuốc điều trị, không nên sử dụng các loại thuốc đã kê vì biểu hiện lâm sàng và tình trạng bệnh có thể đã khác. Người bệnh cần thăm khám để bác sĩ kê các loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, hiện người bệnh và nhà thuốc đều không quan tâm tới vấn đề này và thậm chí có những đơn thuốc đã được kê trong 2-3 năm, quá thời hạn. Chúng ta chưa có hệ thống nào để cảnh báo và quản lý đơn thuốc quá hạn như vậy. 

Trên cơ sở đó, để quản lý tốt hơn về hành nghề dược, quản lý tốt việc bán thuốc theo đơn đúng quy định pháp luật, việc triển khai kê đơn thuốc điện tử và áp dụng Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc Quốc gia) của Bộ Y tế sẽ giúp tất cả các cơ sở thực thi được việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, từ đó nâng cao sức khỏe nhân dân tránh đại dịch kháng thuốc đặc biệt kháng kháng sinh đang là thảm họa mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo. 

Hệ thống đơn thuốc Quốc gia là Hệ thống kho tổng tiếp nhận bản điện tử của mỗi đơn thuốc được tạo ra tại mỗi cơ sở khám chữa bệnh sau khi kết thúc quá trình khám chữa bệnh. 

Hệ thống chia sẻ đơn thuốc (thông qua mã đơn và dưới sự cho phép của người bệnh) tới các cơ sở bán lẻ thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn đồng thời tiếp nhận báo cáo số lượng thuốc đã bán trên mỗi đơn (từ phần mềm của cơ sở bán lẻ thuốc) quay trở về lưu giữ. Khi người bệnh tới với cơ sở bán lẻ thuốc thứ 2, thứ 3 cho tới thứ... n, ở các cơ sở tiếp theo thông qua mã đơn thuốc, thông qua phần mềm nhà thuốc, thông qua hệ thống đơn thuốc quốc gia các cơ sở sẽ xác minh được đơn có thật hay không, còn hạn hay hết hạn, đơn bán rồi hay chưa, bán toàn phần hay tất cả…

Khi nào 100% cơ sở khám chữa bệnh kê đơn thuốc điện tử toàn diện?- Ảnh 2.

Quy trình kết nối liên thông việc bán thuốc theo đơn điện tử.

Có như vậy thông tin mới đầy đủ cho cơ sở bán thuốc thực hiện bán theo đơn và cơ quan quản lý nhà nước mới có thể thanh kiểm tra giám sát sâu sát tiến tới xử phạt. Các cơ sở khám chữa bệnh buộc phải thực hiện việc bán thuốc theo đơn điện tử. 

Với sự ưu việt như vậy chúng ta có thể khẳng định: Kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh khi có đơn trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán thuốc có đơn thuốc điện tử mà là thành tố quan trọng bậc nhất trong việc quản lý bán thuốc theo đơn tránh đại dịch kháng thuốc, nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân.

PV: Theo đánh giá của Hội Tin học Y tế Việt Nam, triển khai kê đơn thuốc điện tử trên cả nước hiện nay ra sao? Một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai vì sao lại như vậy? 

Ông Nguyễn Hữu Trọng: Hội Tin học Y tế Việt Nam đồng hành với Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia và Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã thí điểm đánh giá tác động xã hội và thấy rằng việc triển khai kê đơn thuốc điện tử hoàn toàn không có gì khó khăn, phức tạp. 

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập bao gồm từ trạm y tế xã phường tới các bệnh viện các tuyến, các hạng, 100% các cơ sở này đều đã đang kê đơn điện tử trên phần mềm quản lý cơ sở (His – V20 trạm y tế xã phường) của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm khác nhau. 

Các đơn vị đều đã chỉnh sửa liên thông đơn thuốc từ phần mềm vốn có của cơ sở khám chữa bệnh tới hệ thống đơn thuốc quốc gia từ cuối năm 2022 theo quyết định 808/QĐ-BYT ban hành ngày 01/04/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế và cơ sở không tốn kém chi phí gì. 

Gửi đơn lên hệ thống là tự động từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh đã có. Việc ký đơn thuốc bằng chữ ký số thì các cơ sở công lập đều đã và đang được Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng cấp miễn phí theo quy định tại thông tư 185/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. 

Nói cách đơn giản hơn, kê đơn điện tử từ rất lâu rồi nay chỉ liên thông đơn thuốc về hệ thống quốc gia để chia sẻ cho cơ sở bán thuốc. Đối với các cơ sở y tế tư nhân việc kê đơn điện tử không gây khó khăn gì do có rất nhiều đơn vị CNTT trong lĩnh vực y tế đang hỗ trợ (49 đơn vị cung cấp - Công khai trên trang đơn thuốc quốc gia) vậy nên họ chủ động thực hiện kê đơn điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng giúp họ liên thông lên hệ thống quốc gia. 

Tới cuối năm 2022, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã liên thông đơn thuốc và hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang hoàn thiện liên thông. 

Ưu điểm của kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn:
Tạo thuận lợi cho người bệnh khi sử dụng, lưu giữ đơn thuốc.
Quản lý hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
Nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân, tránh đại dịch kháng thuốc và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam

Về phía các địa phương, việc triển khai thực hiện bao gồm hai phần việc chính: 

 - Tập huấn hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh và bán lẻ thuốc thực hiện. 

-Thanh kiểm tra giám sát thường xuyên và xử phạt theo quy định đã có tại các nghị định để răn đe đảm bảo cơ sở thực thi quy định pháp luật. 

Hiện nay, Hội tin học Y tế Việt Nam đã phối hợp hỗ trợ 48 Sở Y tế trên toàn quốc thực hiện việc hướng dẫn tất cả cơ sở khám chữa bệnh và bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn như quy định. 

Tuy nhiên, một số sở y tế vẫn chưa thực hiện triển khai tập huấn. Bên cạnh đó việc thanh, kiểm tra giám sát, xử phạt chưa được thực hiện thường xuyên. Việc chưa hướng dẫn cụ thể cho từng cơ sở và chưa kiểm tra có lẽ là nguyên nhân chính dẫn tới các cơ sở tư nhân còn chậm trễ trong việc liên thông. 

Văn bản pháp luật sau khi ban hành cần được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai sâu rộng tới người và cơ sở hành nghề cũng như thường xuyên giám sát việc thực hiện. Theo tôi khó khăn chính đang ở chỗ con người và cơ sở hành nghề y dược chưa được biết các văn bản pháp luật mới, quy trình mới hoặc biết nhưng chưa thanh kiểm tra giám sát. 

PV: Kê đơn thuốc điện tử có cần đầu tư tốn kém không và kê đơn điện tử khắc phục được chữ viết xấu của người kê đơn, tại sao nhiều nơi chưa "mặn mà", thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trọng: Chúng ta cần hiểu rõ 2 ý như này. Kê đơn thuốc điện tử và Liên thông đơn thuốc về hệ thống đơn thuốc quốc gia. 

Kê đơn thuốc điện tử đơn giản là tạo ra đơn thuốc trên phần mềm theo đúng quy định về mẫu đơn thuốc và gửi liên thông 01 bản đơn thuốc về hệ thống quốc gia. Kê đơn điện tử không hề khó và như tôi đã nói ở trên 100% cơ sở công lập đã kê đơn điện tử từ hơn 10 năm qua. 

Ngày nay nhiều cơ sở cung cấp phần mềm còn tạo ra các phần mềm đơn giản, trên nền tảng điện toán đám mây giúp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc kê đơn thuốc đơn giản bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng chứ không nhất thiết phải sử dụng máy tính và không cần cài đặt gì cũng như không cần quan tâm tới cấu hình thiết bị sử dụng như thế nào. 

Vậy nên, nếu nói khó không thì ta khẳng định với nhau là không khó. Còn việc có tốn kém không thì tùy vào các đơn vị cung ứng phần mềm. 

Tới thời điểm này, ngay cả với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS cũng có cả những phần mềm mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí cung cấp cho các bệnh viện. 

Giống như thời điểm năm 2019 khi ngành y tế triển khai Thông tư quy định các cơ sở bán lẻ thuốc phải có phần mềm liên thông dược quốc gia, hơn 60 nhà cung cấp đã tham gia vào cung cấp phần mềm và nếu tôi không nhầm thì giá thành khá rẻ khoảng 2.000-3.000đ/ngày cũng như giảm giá cho tặng theo thời gian hoặc mua 1 lần dùng trọn đời…. 

Việc sử dụng phần mềm tại các doanh nghiệp ngày hôm nay đã không còn là điều lạ lẫm, chúng ta có thể thấy các hàng phở, hàng cơm, cửa hàng cà phê chứ chưa nói tới các công ty đều chủ động tự thuê mua để có phần mềm quản lý bán hàng doạnh số thu, chi…. cho cơ sở mình dù chẳng ai yêu cầu. 

Đối với việc liên thông đón nhận lưu giữ và chia sẻ đơn thuốc trên hệ thống quốc gia Bộ Y tế đã được doanh nghiệp tài trợ toàn bộ hệ thống và Hệ thống này cũng đã xác lập tài sản công sở hữu toàn dân đúng quy định của pháp luật. Việc liên thông, lưu giữ, chia sẻ đơn thuốc của các cơ sở y tế lên hệ thống là hoàn toàn không tốn chi phí nào.     

Như tôi đã phân tích ở trên, việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử là cần thiết và nên làm. Lãnh đạo bệnh viện cả công lập, ngoài công lập, phòng khám ngoài công lập...cần phải thực hiện triệt để kê đơn thuốc điện tử, "khắc phục" chữ xấu của người kê đơn thuốc chỉ là một phần nhỏ. Quan trọng nhất, kê đơn thuốc điện tử là văn minh, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và tránh tình trạng kháng kháng sinh mà WHO đã cảnh báo!

PV: Trân trọng cảm ơn ông.


Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-100-co-so-kham-chua-benh-ke-don-thuoc-dien-tu-toan-dien-169240324165120594.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 2.223
Tháng 05 : 6.123