SKĐS - Bộ Y tế hành động rất quyết liệt, kịp thời, phản ứng nhanh, giao ngay đơn vị chức năng xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để có hướng xử lý, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết...
Trong phần trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều qua – 7/11 về nội dung liên quan đến 'cơ chế thanh toán cho người bệnh tham gia BHYT mua thuốc trực tiếp' Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế đã giao vụ chức năng của Bộ xây dựng Thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo 'nóng' của Bộ trưởng, ngay sau phiên chất vấn, cuối giờ chiều cùng ngày, Vụ BHYT- Bộ Y tế đã tổ chức Tọa đàm về dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Nỗ lực vì quyền lợi của người tham gia BHYT
Chủ trì buổi tọa đàm, ThS Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ BHYT bày tỏ: Quyền lợi của người tham gia BHYT chắc chắn phải được bảo đảm trong mọi trường hợp.
"Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định tại phiên trả lời chất vấn. Bộ Y tế hành động rất quyết liệt, kịp thời, phản ứng nhanh, giao ngay đơn vị chức năng làm việc để có hướng xử lý, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể hoàn thiện dự thảo Thông tư để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và nhân dân nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của công tác khám chữa bệnh và quan trọng nhất là để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT"- Bà Trang nói.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là 1 trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong Luật BHYT và Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như nhiều văn bản khác về khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan liên quan đến việc thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian qua như đứt gãy chuỗi cung ứng từ nước ngoài, các nguồn nguyên liệu từ các quốc gia thiếu hụt, giá thành cao; các quy định về luật đấu thầu thời gian qua còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của việc mua sắm thuốc.
Bên cạnh đó, trải qua đại dịch và những vấn đề hậu COVID-19 cũng dẫn đến tâm lý e ngại trong mua sắm trong khi nhiều cơ chế, chính sách pháp luật vẫn đang vướng.
Đồng thời, Bộ cũng có các giải pháp bảo đảm tăng cường cung ứng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế và rất nhiều giải pháp khác. Tuy nhiên, trong 1 số điều kiện, hoàn cảnh nhất định vẫn có tình trạng thiếu thuốc.
"Vấn đề đặt ra đầu tiên là yêu cầu chuyên môn. Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo cung ứng thuốc và kê đơn cho người bệnh bởi việc sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh là để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của thuốc và an toàn của người bệnh. Cũng là để xử lý kịp thời các vấn đề tai biến liên quan và trách nhiệm của cơ sở y tế.
Do đó, về nguyên tắc, cần cố gắng tối đa để thực hiện các quy định để người bệnh không phải thiếu thuốc. Thế nhưng, vẫn có những khó khăn, nhất là trong thời điểm hiện nay, thậm chí là trong tương lai khi xảy ra những đại dịch khác, hoặc biến cố về thảm họa hoặc điều kiện nào đó mà cung ứng thuốc bị đứt gãy thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng thiếu thuốc"- bà Trang nêu quan điểm.
Những trường hợp nào người bệnh tham gia BHYT được thanh toán thực tiếp?
Theo quy định của Luật BHYT tại khoản 2 điều 31, có 3 trường hợp người bệnh được thanh toán chi phí trực tiếp với cơ quan BHXH.
Thứ nhất, đó là trường hợp người bệnh phải khám tại cơ sở y tế chưa ký hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ trong trường hợp cấp cứu, nhà người bệnh ở ngay cạnh một bệnh viện nhưng bệnh viện chưa ký hợp đồng BHYT, bệnh nhân vẫn được quyền vào đó và cơ quan BHXH phải thanh toán.
Thứ hai, trong 1 số trường hợp nhất định khi người bệnh đi thanh toán mà có thiếu sót về mặt trình tự thủ tục thì vẫn được thanh toán lại với cơ quan BHXH, tuy nhiên trường hợp này mức thanh toán vẫn rất thấp.
"Do đó, nên xem xét có nên nâng mức thanh toán cho người bệnh hay không trong dự thảo Thông tư đang được chúng tôi xây dựng"- bà Trang thông tin.
Thứ ba, là những trường hợp đặc biệt khác.
"Vậy có thể vận dụng trường hợp này được không để có thể dự thảo các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng, hoặc vì các lý do khách quan... Đồng thời, cần có những giải pháp để làm sao không lạm dụng những trường hợp này. Cơ sở y tế không vì thế mà ngại mua sắm, cùng với đó là đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc.
Do đó, nếu có thể áp dụng điều 31 Luật BHYT thì vẫn cần phải khu trú những trường hợp thực sự đặc biệt thì mới cho phép kê đơn, và vẫn cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo đủ thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh"- Vụ trưởng Trần Thị Trang cho biết.
Bà Trang cũng thông tin thêm: Nếu cho phép các trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp thì mức giá thế nào, cơ chế, trình tự, thủ tục thanh toán ra sao… để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, đồng thời thuận tiện cho cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền của cơ sở y tế để bảo đảm họ vẫn cần tăng cường việc mua sắm, đảm bảo thuốc, chỉ nên chỉ định cho bệnh nhân mua thuốc ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, khách quan.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm trách nhiệm, bảo đảm an toàn, cơ sở nào thì được phép để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, vai trò, trách nhiệm của cơ sở y tế lúc đó đến đâu...
Trong dự thảo Thông tư đang xây dưng, ban soạn thảo tập trung quy định các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lý do khách quan, bất khả kháng như: trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mà thuốc hết, hoặc đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thấu tập trung địa phương hết, hoặc thuốc hiếm không sẵn có do có nhiều loại không thể mua, không thể dự trù…
Khi đáp ứng đủ điều kiện trên, cơ sở mới được để cho người bệnh mua thuốc ở bên ngoài, còn về nguyên tắc thì cơ sở vẫn phải đảm bảo cung ứng thuốc. Dự thảo cần quy định rất cụ thể về giá, hình thức thanh toán, quy trình thủ tục...
"Những nội dung ban soạn thảo đang nỗ lực cùng chuyên gia và các đơn vị liên quan bàn thảo tiếp tục nghiên cứu, đảm bảo đúng, đủ, chặt chẽ và khả thi, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Chúng ta đều thấy đây là vấn đề rất khó để quy định, tuy nhiên đã có cơ sở pháp lý, mặc dù phạm vi hẹp, nhưng Bộ Y tế sẽ cố gắng nghiên cứu và sớm ban hành 1 số quy định để tháo gỡ 1 phần"- bà Trang bày tỏ.
Vụ trưởng Vụ BHYT của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cần hiểu rằng Thông tư nhằm khắc phục những điều kiện bất khả kháng, khách quan, về nguyên tắc cần phòng ngừa lạm dụng các quy định này.
Do đó, đây không phải là điều khuyến khích, mà chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng. Vẫn cần có các biện pháp lâu dài, căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm, bảo đảm cung ứng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế để có thuốc cho bệnh nhân để không phải sử dụng quy định này...
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/quyet-liet-phan-ung-nhanh-de-dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-benh-bhyt-mua-thuoc-truc-tiep-169231108065448429.htm Copy link