SKĐS - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong điều kiện khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.
Ngành y tế hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao
Tại tọa đàm "Ngành y vượt khó"do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/2, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới tất cả thầy thuốc trong cả nước trong thời gian vừa qua đã không quản ngại khó khăn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế luôn nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc, lấy người bệnh là trên hết, trước hết và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như cứu sống người bệnh.
"Với tinh thần như vậy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trong năm 2022 đã trải qua nhiều khó khăn thách thức nhưng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân cũng như sự nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành, nên ngành y tế vẫn đạt được những kết quả đáng trân trọng.
"Đó là 3 chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. 13/16 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế đã hoàn thành, còn 3 chỉ tiêu cơ bản cũng hoàn thành. Phải nói rằng, trong điều kiện khó khăn, thách thức như vậy nhưng ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, với những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết.
Thứ nhất, về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này.
"Trong thời gian vừa qua và trước mắt, chúng tôi đã tập trung ưu tiên tham mưu, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 80. Đó là Nghị quyết hết sức quan trọng và đã giải quyết được căn cơ, trước mắt vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị. Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý Dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Trước mắt, Cục Quản lý Dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Đối với trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. "Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, tôi cho rằng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cùng đó, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị.
"Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.
Vấn thứ hai, Bộ Y tế xác định tập trung giải quyết là củng cố nguồn nhân lực y tế, đề xuất với Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để làm sao cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác. Vừa rồi Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị, đó là đưa phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%.
Vấn đề thứ ba, Bộ Y tế tập trung giải quyết theo Nghị quyết 114 của Chính phủ. Bộ Y tế đã phối hợp BHXH Việt Nam có hướng dẫn về việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.
Hiện tại, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tiếp tục rà soát để hướng dẫn các cơ sở thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế của năm 2018, 2019, 2020, 2021. Nợ đọng này đã được cơ quan bảo hiểm thẩm tra tại các cơ sở y tế nhưng do những nguyên nhân khách quan khác nhau mà chưa được thanh toán.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã thống nhất rà soát để thanh quyết toán số kinh phí này cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Tổng kinh phí chúng tôi rà soát bước đầu khoảng 2.500 tỷ. Như vậy, nếu cả giai đoạn 2018, 2019, 2020, 2021 thanh quyết toán được tất cả cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, thì tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng.
"Tôi cho rằng đây là nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế tái cấu trúc lại trong quá trình cung ứng thuốc, vật tư cũng như đảm bảo công tác chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Bộ Y tế đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu
Cũng tại chương trình Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ, ngành y tế là đặc thù từ khi còn học và đặc thù trong quá trình phục vụ người bệnh trong khi chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù của ngành, nhưng áp lực với công việc của nhân viên y tế rất lớn. Điều kiện làm việc còn khó khăn, chế độ đãi ngộ còn hạn chế và nguy cơ của cán bộ, nhân viên ngành y tế trong vấn đề chăm sóc người bệnh rất lớn.
Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trong đó, thứ nhất là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, làm sao bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và thứ ba là đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Vừa rồi Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành các văn bản, nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cùng với đó, đã tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết. Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế.
"Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Ngoài việc nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, chúng ta còn phải nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong khu vực, để làm sao người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh ở trong nước đối với các bệnh đáng lẽ phải ra nước ngoài khám chữa bệnh..." - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.