A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ y tế cũng là những 'chiến sĩ thông tin'

SKĐS - Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ là những người lương y, đông đảo y bác sĩ, cán bộ y tế còn đóng góp vào công tác thông tin tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch để huy động sự đồng thuận của cộng đồng đối với các hoạt động của ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng bày tỏ, y tế là ngành đặc thù, công tác truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân. Từ đó không chỉ bảo vệ, nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội.
"Với phương châm mỗi cán bộ y tế là một cán bộ truyền thông, chính đội ngũ các y bác sĩ, cán bộ y tế sẽ là một chiến sĩ thông tin tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch để huy động sự đồng thuận của cộng đồng đối với các hoạt động của ngành y tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để những nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình của lực lượng y tế trên mọi miền Tổ quốc lan tỏa tới người dân thì những y bác sĩ, cán bộ y tế chính là những cầu nối truyền thông hữu hiệu nhất. Trong dòng chảy của thông tin, có nhiều những người vừa đảm nhiệm vai trò là người lương y vừa là "chiến sĩ thông tin".
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống có dịp trò chuyện cùng BSCKΙΙ Trần Ánh Dương, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) – một CTV nhiệt thành của các tờ báo, tạp chí về lĩnh vực y tế. Qua câu chuyện được chia sẻ, PV hiểu hơn về những trăn trở và cái "duyên" của vị bác sĩ này với công tác thông tin.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 1.

BSCKΙΙ Trần Ánh Dương – một CTV nhiệt thành của các tờ báo, tạp chí về lĩnh vực y tế.
Bác sĩ Dương cho biết, cách đây khoảng 6 năm, tại bệnh viện anh đang công tác có xảy ra sự việc bệnh nhân hành hung cán bộ y tế. Thương cho người đồng nghiệp và buồn vì những cống hiến đóng góp của các cán bộ y tế bị một bộ phận người dân xem nhẹ, anh đã có những dòng tâm sự đăng lên mạng xã hội. Trăn trở với những điều đó, anh nhận ra báo chí là phương thức truyền tải thông tin chính thống và có tính rộng khắp.
Cái duyên với công tác thông tin cũng từ đó gắn với anh, từ người cung cấp những thông tin, BS. Dương tìm hiểu cách viết báo. Sau thời gian căng mình cùng những bệnh nhân, BS. Dương đã có những sản phẩm báo chí truyền tải thành tựu, đóng góp và những tâm tư của đội ngũ y tế. Cùng với đó là những bài viết chuyên ngành nhằm đưa ra những khuyến cáo, giải thích giúp người dân hiểu và có biện pháp phòng, chống các loại bệnh.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 2.

Ngoài nhiệm vụ và tâm huyết của một người lương y, BS. Ánh Dương vẫn dành thời gian cho công tác báo chí, thông tin.
"Đến với công tác báo chí, truyền thông phải nói là cái duyên. Từ trước đến nay phần lớn các y bác sĩ, cán bộ y tế đều ngại nêu ra những đóng góp, thành tựu của đơn vị và bản thân bởi họ nghĩ đó là điều hiển nhiên. Vậy nên chỉ thấy những cái còn thiếu sót chứ cái tốt thì chưa được lan toả. Mình làm công tác y tế, muốn mọi người biết và nghi nhận những đóng góp thành tựu đó. Vậy nên báo chí chính là cầu nối để lan tỏa và bày tỏ những tâm tư", BS. Ánh Dương tâm sự.
Sau thời gian dài nhiệt thành với công tác thông tin, vị bác sĩ này đã nhận ra được những biến chuyển tích cực nhờ những thông tin mình truyền tải. Nhiều người dân và bệnh nhân đã hiểu và yêu thương những y bác sĩ, cán bộ y tế.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 3.

BS. Dương là CTV thường xuyên của Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế).
"Người dân đọc tin bài về những gì các y bác sĩ đã làm được họ sẽ đánh giá cao và tin yêu. Rồi cũng từ đó mà họ biết đơn vị mình, bệnh viện mình đã có những công nghệ tiên tiến, y bác sĩ tay nghề cao, cán bộ y tế tận tâm để tìm đến khám và điều trị. Điều này cũng giúp giảm tình trạng người dân phải lên các tuyến trên gây quá tải và tốn kém cho người bệnh", BS. Ánh Dương chia sẻ thêm.
Phản biện những tin giả, tin xấu về ngành y tế
Cũng như người đồng nghiệp của mình, anh Đào Giang Sơn, Điều dưỡng trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã đồng hành cùng báo chí để tạo nên dòng thông tin chính thống, phản biện lại thông tin giả, tin xấu ảnh hưởng đến những y bác sĩ, cán bộ y tế.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 4.

Anh Đào Giang Sơn, Điều dưỡng trưởng Khoa Răng Hàm Mặt luôn mong muốn truyền tải những thông tin chính thống, phản biện lại thông tin giả, tin xấu.
Trong thời gian đồng hành cùng báo chí để truyền tải những thông tin về lĩnh vực y tế, anh Sơn luôn cảm vui mừng và tự hào vì những đóng góp tuy nhỏ nhưng góp phần xây dựng hình ảnh ngành y tế đẹp trong mắt nhân dân.
Là cán bộ y tế, nghiệp vụ báo chí không chuyên, trang thiết bị còn hạn chế nhưng với đam mê với công tác thông tin anh luôn mày mò, tìm hiểu và học tập để có những tác phẩm báo chí tốt, truyền tải được những nội dung có ích.
"Tôi cộng tác viết báo là để tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về ngành y tế, về những tiến bộ, những thành tựu và những đóng góp của ngành y tế cho xã hội. Cùng với đó là giúp người dân được nâng cao nhận thức về các loại bênh, các nguy cơ gây ra bệnh và thương tật để có phương pháp phòng tránh", anh Sơn tâm sự.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 5.

Sau thời gian giành cho công việc, anh Sơn luôn tìm tòi học hỏi để có những tác phẩm báo chí tốt, truyền tải được những nội dung có ích.
Một cán bộ y tế khác luôn nhiệt thành với công tác cung cấp thông tin tới báo chí về những hoạt động của đơn vị y tế, những đóng góp của người dân trong công tác khám, chữa bệnh đó là anh Lê Văn Sỹ, kỹ thuật viên Khoa Sinh hóa – Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Từ những thông tin ý nghĩa được lan tỏa đã tạo được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, từ đó công tác khám, chữa bệnh được thuận lợi hơn.

Y bác sĩ, cán bộ y tế cũng là “chiến sĩ thông tin” - Ảnh 6.

Anh Lê Văn Sỹ, kỹ thuật viên Khoa Sinh hóa – Huyết học – Truyền máu.
"Ở đơn vị mình công tác, nhận thấy những tình nguyện viên luôn nhiệt tình với công tác hiến máu tình nguyện, họ vẫn luôn âm thầm cống hiến nên muốn là cầu nối với báo chí để lan tỏa những hành động đẹp. Quả thật là có hiệu quả vì khi thông tin những người tham gia hiến máu được đăng tải tạo ra một hiệu ứng tích cực, nhiều người tham gia hoạt đọng hiến máu hơn", anh Sỹ chia sẻ.

Nguồn:Sức khỏe & Đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 19
Hôm nay : 4.146
Tháng 12 : 9.070