A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẢNH BÁO DI CHỨNG HẬU COVID-19

Người mắc Covid-19 không triệu chứng hay điều trị Hồi sức tích cực đã khỏi đều có thể mắc hội chứng hậu Covid. Tình trạng này được công nhận như một hội chứng ảnh hưởng đa cơ quan, với các triệu chứng biểu hiện dai dẳng, người ta gọi chung là Hội chứng hậu Covid. Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, với biểu hiện lâm sàng đa dạng, đôi khi chỉ là bất thường trên các cận lâm sàng mà không có triệu chứng. Tất cả bệnh nhân hồi phục cần được theo dõi, tầm soát các rối loạn có thể có, từ đó lên kế hoạch điều trị tích cực, lâu dài.

Những ai sẽ mắc hội chứng hậu Covid?

Tất cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).

Đối tượng nguy cơ

Nhiều nghiên cứu chứng minh độ nặng của Covid-19 cấp tính có liên quan những yếu tố nguy cơ, như tuổi già, nam giới, béo phì, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường... Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid liên quan đến các yếu tố kể trên. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh báo cáo hai nhóm tỷ lệ mắc hậu Covid nhiều nhất là nữ và nhóm tuổi 35-49.

Tỷ lệ mắc

Hội chứng Covid kéo dài rất phổ biến. Nhiều báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng này dao động 20-96%, tùy nghiên cứu. Nhìn chung, ước đoán khoảng 80% bệnh nhân sau khi khỏi sẽ bị ít nhất một triệu chứng hậu Covid.

Biểu hiện bệnh

Giống Covid-19 cấp tính, hội chứng Covid kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da lông.

Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi-vị, giảm khả năng nhận thức, như giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Covid kéo dài không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà còn thể hiện bằng những bất thường cận lâm sàng, như bất thường xét nghiệm như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận... ; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

Cơ chế gây bệnh

Các chuyên gia giả thuyết ba cơ chế gây ra tình trạng này. 

Thứ nhất, do virus xâm nhập trực tiếp vào tế bào cơ thể trong đợt bệnh cấp tính, gây phá hủy tế bào và để lại những tổn thương vĩnh viễn ở nhiều cấu trúc cơ quan. 

Thứ hai, do đáp ứng viêm quá mức dẫn đến sự tăng cao nồng độ các chất gây viêm (cytokines) trong máu và các mô cơ thể gây nên tình trạng viêm mạn tính nhiều cơ quan; và đáp ứng miễn dịch có phần sai lệch của cơ thể dẫn đến sự hình thành các tự kháng thể kháng lại chính tế bào cơ thể người, từ đó làm rối loạn chức năng nhiều cơ quan. 

Thứ ba, tình trạng bệnh lý nặng trong đợt cấp như suy hô hấp, tụt huyết áp, tình trạng tắc mạch, giảm oxy mô dẫn đến những tổn thương tế bào khó hồi phục ở nhiều cơ quan.

Ngoài ra, các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch: mắc bệnh, mất người thân, cách ly xã hội, cô lập, nỗi lo về tài chính, thất nghiệp,... cũng gây ra các triệu chứng tâm lý kéo dài sau Covid.

Hội chứng hậu Covid có nguy hiểm?

Giống Covid-19 cấp tính, Covid kéo dài cũng biểu hiện đa cơ quan với nhiều mức độ khác nhau, từ rất nhẹ như rụng tóc, mệt mỏi đến những tình trạng bệnh lý nặng hơn, như xơ phổi dạng tổ ong, di chứng đột quỵ não, di chứng nhồi máu cơ tim, hay suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh kéo dài trong bao lâu?

Nhiều triệu chứng có thể tự giới hạn hay có thể kiểm soát với những phương pháp điều trị tiêu chuẩn và chỉ tồn tại trong 2-6 tháng như đau đầu, đau cơ khớp. Song cũng có những di chứng tồn tại vĩnh viễn,như di chứng đột quỵ hay di chứng nhồi máu cơ tim.

Điều trị

Điều trị hội chứng Covid kéo dài đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về hậu Covid cũng như cần kế hoạch chặt chẽ, lâu dài và sự kết hợp của nhiều chuyên khoa.

Phòng ngừa

Hội chứng hậu Covid có thể xảy ra ở mọi bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, với biểu hiện lâm sàng đa dạng, đôi khi chỉ là bất thường trên các cận lâm sàng mà không có triệu chứng. Tất cả bệnh nhân hồi phục cần được theo dõi, tầm soát các rối loạn có thể có, từ đó lên kế hoạch điều trị tích cực, lâu dài.

Khuyến cáo

  • Các triệu chứng hậu covid -19 sẽ dần dần giảm hoặc mất đi, nhưng cần thời gian. Do đó, hãy bình tĩnh, không căng thẳng, lo lắng. Căng thẳng lo lắng đôi khi làm triệu chứng nặng thêm, ví dụ như triệu chứng khó thở, hãy cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi phục hồi, không vội vàng, xây dựng lịch làm việc, học tập điều độ nhưng nhẹ nhàng.

 

  • Áp dụng các hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà ví dụ như tập thở, tập thể dục, thư giãn…

 

  • Đi khám ngay khi có các triệu chứng nặng lên hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm, ví dụ như: khó thở nặng, đau ngực nặng, buồn nôn, chóng mặt…

 

  • Đến các cơ sở y tế có chức năng điều trị, phục hồi chức năng để được hướng dẫn, theo dõi và điều trị phù hợp.

 

  • Tất cả người bệnh Covid-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện, để đảm bảo khỏe mạnh hoàn toàn, không còn di chứng

 

  • Có chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân đã thở máy lâu ngày, nằm tại Hồi sức tích cực thì không thể sử dụng chế độ dinh dưỡng bình thường được, mà lúc này phải là dinh dưỡng nuôi hồi phục bệnh nhân sau giai đoạn nhiễm bệnh nặng. Lúc này, bệnh nhân đã khoẻ hơn, ăn uống có cảm giác hơn thì dinh dưỡng rất quan trọng. Nhóm thứ hai là những bệnh nhân khi nhiễm đã có triệu chứng nhẹ thì giai đoạn này dinh dưỡng có thể tương tự như giai đoạn bình thường, chú ý bổ sung các vitamin, vi chất dinh dưỡng…

 

  • Sau khi đã khỏi bệnh, cơ thể người bệnh đã tự sản sinh ra kháng thể. Nhưng khi các triệu chứng kéo dài, mối lo tái nhiễm cũng thường trực ở không ít bệnh nhân. "Theo Tổ chức y tế khuyến cáo, trong vòng 6 tháng thì chưa cần phải tiêm vaccine. Có các nghiên cứu cho thấy các trường hợp nhiễm, sau đó tiêm vaccine thì tỷ lệ kháng thể sinh ra rất là cao cho nên sau đó thì chúng ta có thể tiêm vaccine".

 

  • Người dân không nên chủ quan hay tâm niệm "trước sau gì cũng mắc Covid-19", mà phải đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và tham gia tiêm phòng Covid-19 ngay khi đủ điều kiện.

 

 

 

-Theo : Minh Khương, Thanh Nga, CDC Quảng Ninh

 


Tác giả: Minh Khánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 679
Tháng 07 : 61.482