A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chào mừng 60 năm thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023): Phát huy vai trò của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Xác định y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngay trong năm 1963, tỉnh đã thành lập Trạm vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh; tiền thân của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh. Việc thành lập Trạm vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh đã đặt dấu ấn lịch sử cho việc thiết lập hệ thống y tế dự phòng tại Quảng Ninh; với nhiệm vụ giúp ngành Y tế triển khai công tác vệ sinh phòng bệnh và chống dịch.

 

Từ năm 1963 thành lập tỉnh đến năm 1985, có 12 năm chiến tranh (chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc), đã làm tổn hại sức người, sức của. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lúc này tình hình dịch bệnh hoành hành, chủ yếu là dịch tả, dịch hạch, thương hàn, bệnh đường ruột, bại liệt, đậu mùa, bạch hầu, sốt rét... Sau khi đất nước giải phóng, những dịch bệnh này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.

Bác sĩ Đoàn Hùng Thính, Nguyên Trạm trưởng Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh (giai đoạn 1978-1982) chia sẻ: Lúc này, công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, lực lượng cán bộ y tế ít, trang thiết bị hầu như không có gì. Cùng với đó là môi trường vệ sinh, kiến thức và hành vi của người dân còn yếu nên nhiều dịch bệnh bùng phát, hoành hành nhiều năm. Điển hình như bệnh sốt rét ở Quảng Ninh, nhiều nơi tỷ lệ người dân mắc bệnh lên tới 92-95% như ở các xã vùng cao ở Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), Bình Liêu và 1 số xã miền núi khác. Hay bệnh tả, thương hàn, bạch hầu gây chết nhiều người.

 

Bác sĩ Đoàn Hùng Thính (thứ 2 từ phải sang), Nguyên Trạm trưởng Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh (giai đoạn 1978-1982) cùng các bác sĩ, đoàn viên thanh niên của CDC Quảng Ninh xem lại một số hình ảnh tư liệu về công tác phòng, chống dịch của tỉnh trong 60 năm qua.

Để giúp người dân chủ động phòng bệnh, ngành Y tế Quảng Ninh đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống hợp vệ sinh trong cộng đồng dân cư. Trong đó, các cán bộ y tế làm công tác dự phòng của tỉnh đã tích cực vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào vệ sinh yêu nước, như: Phong trào 3 diệt (ruồi, muỗi, chuột); xây dựng 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, giếng nước và hố xí 2 ngăn); vận động nhân dân ăn chín, uống sôi, giữ thức ăn không để ruồi, gián đậu vào, loại trừ thức ăn ôi thiu; tổng vệ sinh môi trường vào thứ 7 hàng tuần… Qua đó góp phần làm giảm và khống chế được nhiều dịch bệnh như sốt rét, bại liệt, tả, thương hàn, bạch hầu…

Đặc biệt để phòng dịch chủ động, Quảng Ninh cũng là tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chủng cho người dân. Bác sĩ Đoàn Hùng Thính cho biết thêm: Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 1985. Lúc này, Quảng Ninh cũng triển khai tiêm chủng thường xuyên theo lịch hàng năm phòng 6 bệnh cho trẻ em (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi). Cán bộ y tế cơ sở được huấn luyện thành thạo, có trang thiết bị, bơm, kim tiêm, dây truyền lạnh bảo quản vắc-xin.

Nhờ công tác tiêm chủng mở rộng, Quảng Ninh đã thanh toán bệnh bại liệt polio năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005; khống chế bệnh sởi, viêm gan B, bạch hầu, ho gà. Đã dự phòng cho hàng chục triệu trẻ em không bị mắc 6 bệnh truyền nhiễm (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi); giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; giảm tình trạng tàn tật hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây ra. Qua đó tạo điều kiện để trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, góp phần bảo vệ, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

 

Trụ sở mới của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được xây dựng, đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023.

Bước sang thời kỳ đổi mới, từ năm 1989 ngành Y tế Quảng Ninh đã sáp nhập trạm Vệ sinh phòng dịch và trạm Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng thành Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đến tháng 6/2018, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh (Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội) trở thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh. Hiện, CDC Quảng Ninh trực thuộc Sở Y tế, là đơn vị y tế dự phòng tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh.

Đến nay, CDC Quảng Ninh đang từng bước lớn mạnh, bộ máy tổ chức hiện có 16 khoa, phòng với 215 cán bộ, nhân viên y tế. Phát huy các thế mạnh sẵn có từ nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị kỹ thuật,… CDC Quảng Ninh có thể xét nghiệm và chẩn đoán chính xác kết quả hầu hết các mẫu bệnh phẩm các chủng cúm A (H5N1/H7N9), Mesr-CoV, Ebola, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi, định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, HPV, HIV), lĩnh vực hóa, thực phẩm, môi trường và mới đây là xét nghiệm được Covid-19… Cách đây nhiều năm, CDC đã xây dựng được phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt ISO 17025-2017, ISO 15189-2012 đầu tiên của ngành Y tế tỉnh. Các chương trình y tế Quốc gia và tỉnh được thực hiện đạt kết quả cao, khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiến tới thanh toán và khống chế dịch bệnh; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đủ mũi cho trẻ dưới 1 tuổi nhiều năm liền đều đạt trên 95%.

 

CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử) để xét nghiệm Covid-19 chính xác và nhanh chóng.

Đặc biệt trong 3 năm (2020-2023) ứng phó với đại dịch Covid-19, CDC Quảng Ninh đã luôn khẳng định được vai trò, trách nhiệm là đơn vị đầu mối, thường trực trong công tác phòng, chống dịch. CDC Quảng Ninh đã tham mưu cho Sở Y tế và trực tiếp ban hành trên 300 văn bản các loại và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phù hợp tình hình dịch Covid-19. Theo dõi, giám sát, quản lý thông tin cho hơn 360.000 F0 trên toàn tỉnh. Đặc biệt trực tiếp tham gia hỗ trợ, xử lý nhiều ổ dịch phức tạp tại Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hải Hà, Đầm Hà… Tổ chức triển khai tập huấn chuyên môn cho 15 đội đáp ứng nhanh, hơn 2.000 cán bộ y tế tuyến huyện, xã, tổ Covid cộng đồng về công tác giám sát, truy vết, xử lý dịch, thống kê báo cáo, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 từ năm 2021 đến nay tại Quảng Ninh. CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử) để xét nghiệm Covid-19 chính xác và nhanh chóng.

Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm,… cũng được CDC Quảng Ninh chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Đồng thời phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thực hiện các biện pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp để từng bước giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm.

 

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh phối hợp với TTYT huyện Vân Đồn tổ chức diễn tập đáp ứng với sự kiện y tế công cộng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, tháng 7/2023.

Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ của CDC Quảng Ninh luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Để đạt được những thành quả đó, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động của đơn vị phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Bộ Y tế, của tỉnh và Sở Y tế Quảng Ninh. Dự kiến trong tháng 10/2023, trụ sở mới của CDC Quảng Ninh (tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long) được tỉnh đầu tư sẽ đi vào hoạt động. Trong đó có tòa nhà 9 tầng (8 tầng nổi và 1 tầng hầm) với tổng diện tích sử dụng trên 14.000m2 được thiết kế đồng bộ, hiện đại, liên hoàn phù hợp công năng sử dụng tiên tiến nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, còn có các khu vực phụ trợ như nhà trực bảo vệ, nhà thu gom rác, hệ thống cấp, thoát, xử lý nước thải, sân vườn…

Với bề dày truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, CDC Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu xây dựng và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ y tế dự phòng, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân Quảng Ninh.

 
 
 

Nguồn:https://baoquangninh.vn/phat-huy-vai-tro-cua-y-te-du-phong-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-3260998.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 30
Hôm nay : 4.200
Tháng 07 : 60.033