Cứ 100 trường hợp tử vong, có tới 81 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm
SKĐS - Việt Nam đang phải đối mặt với một mô hình bệnh tật kép. Trong khi chúng ta vẫn phải nỗ lực để kiểm soát bệnh truyền nhiễm với những bệnh, dịch nguy hiểm và mới nổi như đại dịch COVID-19, bệnh không lây nhiễm vẫn ngày một gia tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm khoảng gần 74% gánh nặng bệnh tật.
Thông tin trên được Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Đặng Đức Anh đưa ra tại cuộc họp khởi động dự án sàng lọc/phát hiện và quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến xã tại một số tỉnh giai đoạn 2, năm 2022- 2023 diễn ra ngày 14/6.
Theo ước tính năm 2019, trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 81 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tim mạch là kẻ giết người số một, chịu trách nhiệm cho khoảng gần 40% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch chính là tăng huyết áp và đái tháo đường.
Theo số liệu điều tra yếu tố nguy cơ – Điều tra STEPS 2015, trong số 43.1% người được phát hiện tăng huyết áp chỉ có 13.6% được đưa vào quản lý điều trị. Tương tự với bệnh tiểu đường, tỷ lệ được phát hiện chỉ đạt 31.1% và chỉ 28.9% được đưa vào quản lý điều trị.
Trong năm 2021, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup xây dựng và triển khai Dự án "Sàng lọc/phát hiện và quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến xã tại tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và Ninh Bình".
Từ những thành quả và kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn trước, năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ TW tiếp tục phối hợp với Quỹ Thiện Tâm cùng với sự tham gia của Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xây dựng giai đoạn 2 của Dự án, mở rộng ra 7 tỉnh, bao gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắc Nông, Quảng Ngãi.
Việc triển khai thực hiện dự án nhằm tăng tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được quản lý điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tàn tật và tử vong sớm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo đó, tại các tỉnh trên đề ra mục tiêu có trên 90% cán bộ y tế tuyến cơ sở được tập huấn, cập nhật kiến thức về phát hiện sớm, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường; Trên 90% cán bộ y tế thôn bản được tập huấn về kỹ năng truyền thông, sàng lọc, phát hiện sớm tăng huyết áp, đái tháo đường.
Trên 90% các trạm y tế triển khai quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường được giám sát hỗ trợ ít nhất 01 lần.
Đồng thời dự án cũng sẽ hỗ trợ trang thiết bị và vật tư tiêu hao thiết yếu cho 100% các trạm y tế được cung cấp thiết bị, vật tư tiêu hao cơ bản cho sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường.
Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường với mục tiêu: Trên 80% người dân ≥40 tuổi trên địa bàn được đo huyết áp, sàng lọc đái tháo đường bằng phiếu đánh giá nguy cơ; 80% số người nghi ngờ tăng huyết áp, đái tháo đường được tư vấn và đến cơ sở y tế chẩn đoán xác định; 80% người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được đưa vào quản lý điều trị tại các cơ sở y tế.
Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 đã đánh dấu một bước ngoặt trong nhiệm vụ kiểm soát bệnh không lây nhiễm.Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương Đảng số 20/TW ngày 25/10/2017 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đưa ra yêu cầu đến năm 2025, 95% các trạm y tế phải quản lý điều trị được một số bệnh không lây nhiễm, đặc biệt đối với tăng huyết áp, đái tháo đường.Gần đây, Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/01/2022 đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm và Sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022- 2025. |