A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả hệ thống tê liệt

SKĐS - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề nhất là ngành y tế, nhưng không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả hệ thống tê liệt...
Đã đến lúc "trở lại bình thường cũ"
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, sáng 1/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, hiện cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ còn 10 bệnh nhân, con số này rất ít so với lúc đỉnh dịch. Các bệnh viện khác tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác hiện số lượng bệnh nhân rất ít. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 nhiều ngày nay gần như không có.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV sáng 1/6.

"Trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 vừa qua có khoảng 4 vạn người cũng không nhiều người đeo khẩu trang, ngay cả trong hội trường Quốc hội cũng không phải tất cả đại biểu đeo khẩu trang. Tôi nghĩ rằng, hiện nay COVID-19 đang đi vào giai đoạn thoái trào", ông Hiếu nêu thực tế.
Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn không tuyên bố chính thức kết thúc bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định, bệnh truyền nhiễm nhóm A thì được khám, điều trị miễn phí. Khi chuyển bệnh COVID-19 sang nhóm B việc thanh toán, chi trả như các bệnh lý khác, có thể do BHYT hoặc người dân chi trả theo dịch vụ.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: "Khi coi COVID-19 là một chuyên khoa không có nghĩa là chúng ta hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này mà theo dõi thật sát và linh hoạt. Trong đó có 3 chỉ số cần theo dõi:
  • Một là phát hiện thăm dò để phát hiện sớm các biến chủng mới;
  • Thứ 2, ghi nhận sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng;
  • Thứ ba, tình hình bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện.
Những chỉ số này khi phát sinh những vấn đề cần lưu ý thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển trạng thái. Tức là chúng ta không ngồi chờ diễn biến của COVID-19 mà phản ứng linh hoạt".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay.

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đã đến lúc phải "trở lại bình thường cũ" để hướng tới 2 mục tiêu:
  • Thứ nhất là phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID;
  • Thứ 2 là tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức để điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý COVID-19.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu, hiện nay chúng ta cần phải khuyên người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên. Những ai nhiễm COVID-19 thì nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì chuyển vào bệnh viện để điều trị. Các trường hợp nhẹ, không triệu chứng vẫn nên tránh tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhóm có nguy cơ cao như: người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai… Việc cách ly người bệnh không cực đoan như trước, bất cứ ai khi xét nghiệm nhanh âm tính thì có thể đi làm trở lại.
Dịch đã khiến ngành y tế chịu ảnh hưởng, để lại hậu quả nặng nề nhất
Vị đại biểu Đoàn Bình Định cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức. Những sai lầm đã phải trả giá. Vấn đề đặt ra là sau "cơn bão" lớn việc phục hồi tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội như thế nào.
Không thể vì một số vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt. Việc thu thập nhân viên y tế, việc mua sắm thiết bị vật tư y tế, thuốc men… không được cải thiện, thậm chí tệ hơn bao giờ hết.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu

"Nếu các vị ĐBQH có điều kiện thăm các bệnh viện tại địa phương mình thì có thể thấy rõ tình hình nguy hiểm này. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ BHXH, cử tri, người bệnh đã gửi gắm những nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay, tương lai của hệ thống y tế. Tìm được câu trả lời theo tôi không hề dễ dàng, vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều và phức tạp hơn", ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nêu lên thực tế.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh: "Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Ngay gần đây một vị ĐBQH "than phiền" với tôi rằng, muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được".
Nhắc đến vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Hiếu cho rằng, "đã ít, đã thiếu nay còn ít hơn" bởi mức không tăng mà còn xu hướng giảm theo thống kê từ các bệnh viện công; không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới khiến các bác sĩ có giỏi đến đâu cũng phải "bó tay".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra bệnh viện dã chiến ở Hoàng Mai, Hà Nội trước khi đưa vào hoạt động từ 1/9/2021. Ảnh: VGP.

Loay hoay chưa tìm được đường bởi đi đâu cũng "vướng"
Từ những bất cập, thực tế trên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu trân trọng đề nghị Quốc hội một số vấn đề.
Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua vào Kỳ họp sau.
Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như: Quyết nghị giảm mức độ dịch COVID-19; Hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch; Thống nhất thanh toán chi trả BHYT cho một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói Hồi phục kinh tế cho y tế cơ sở; đầu tư vào kỹ thuật cao ở các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng, nguồn nhân lực.
Cuối cùng, với tư cách là một bác sĩ thường xuyên điều trị những người bệnh ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị ĐBQH hiểu được phần nào khó khăn ngành y tế đang gặp phải. Nó không chỉ là vật chất mà trong lúc nào chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam.
Vị đại biểu hoạt động trong ngành y cũng bày tỏ nỗi niềm: "Chính trong thời bình lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những "con sâu" đã lạc khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh".
Cuối cùng, ông Nguyễn Lân Hiếu mong các ĐBQH đặc biệt lưu ý: "Chúng ta coi an sinh xã hội là mục đích để phấn đấu, y tế và giáo dục là trụ cột của an sinh xã hội nhưng 2 lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Sự ảnh hưởng không chỉ một vài năm mà qua hàng nhiều năm, nhiều thế hệ, để lại những hậu quả khó lường mà thiệt hại nhất là người dân".

Nguồn:Sức khỏe và đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 11
Hôm nay : 1.022
Tháng 07 : 61.825