A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dịch COVID-19 được kiểm soát góp phần quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế

SKĐS - Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
"Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao", ông Thành nói và cho hay nhờ vậy, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao với trọng tâm là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 10 nhóm chủ yếu sau:

Dịch COVID-19 được kiểm soát góp phần quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Sáng 23/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.
Thứ nhất, tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); tổ chức tiêm vaccine hiệu quả cho trẻ em từ 5-12 tuổi ngay từ đầu tháng 4; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; bảo đảm nguồn cung, tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.
Thứ hai, bám sát diễn biến của dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn, chủ động có kịch bản điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính. Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ ba, theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu; đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí đốt phục vụ sản xuất điện, phương án vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững.
Thứ tư, triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Thứ năm, khẩn trương tổng kết, đánh giá chính sách hỗ trợ người dân, người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; triển khai kịp thời, hiệu quả việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Dịch COVID-19 được kiểm soát góp phần quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Thứ sáu, khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế đã và đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhất là đẩy nhanh tiến độ triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ .
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện để ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị. Sớm ban hành các quy định về hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Thứ bảy, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ tám, tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra tình hình mở cửa trường học trở lại, bảo đảm liên tục việc dạy và học trực tiếp; tổ chức SEA Games 31 chu đáo, an toàn và thành công. Đẩy nhanh công tác triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Thứ chín, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; thực hiện hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2022; đẩy mạnh triển khai đồng bộ ngoại giao song phương, đa phương, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, tăng cường bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại; theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực để có giải pháp phù hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vô hiệu hóa mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động. Tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tội phạm hình sự, tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, ma túy, tội phạm mua bán người.
Thứ mười, tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội tích cực, đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Nguồn:Theo Sức khỏe & đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 8
Hôm nay : 38
Tháng 03 : 61.262