Giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng
Để chủ động phòng, chống véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương tổ chức giám sát, điều tra véc tơ và tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đây là hoạt động được thực hiện định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh nhằm nắm rõ tình hình phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng
Khi đến các địa phương, đoàn giám sát thường tập trung giám điều tra đánh giá chỉ số muỗi, bọ gậy Aedes tại điểm giám sát; soi bắt muỗi trú đậu trong nhà, các ổ bọ gậy trong các vật dụng phế thải.
Tại xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) dịch bệnh đang đang được đánh giá là kiểm soát tốt, từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nắm bắt được đặc điểm địa bàn dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế do rào cản ngôn ngữ và tập quán sinh hoạt lâu đời, trạm Y tế xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức hội: Phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép và đến các hộ gia đình hướng dẫn, tuyên truyền để bà con hiểu về bệnh sốt xuất huyết và thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh.
Bác sĩ Làu Nhục Sáng, Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết: “Hằng năm, Trạm Y tế xã cũng tham mưu với địa phương tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại từng thôn bản. Đặc biệt là tuyên truyền và hướng dẫn người dân, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy, loại bỏ các vật dụng phế thải chứa nước quanh nhà như chai, lọ, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần đến nhằm ngăn không cho muỗi sinh sản, từ đó nâng cao ý thức của người dân góp phần vào công tác phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn.”
Còn tại huyện Bình Liêu, từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 2 ca bệnh dương tính với virus sốt xuất huyết. Công tác tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh bệng được cơ quan Y tế và các tổ chức đoàn thể triển khai sâu rộng nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Bác sĩ Hoàng Thị Bích, Phó khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS, Y tế công cộng & An toàn thực phầm, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu cho biết: “Người dân trên địa bàn huyện cũng đã ý thức được về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Người dân tích cự tham gia các chiến dịch Vệ sinh môi trường, lật úp dụng cụ chứa nước. Người dân đã có thói quen ngủ màn, mặc quần dài, áo dài tay, sử dụng hương muỗi mỗi khi đi rừng. Hàng năm, đặc biệt là vào mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện cũng như các ban ngành tăng cường tuyên truyền cho người dân về phòng, chống sốt xuất huyết, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp giải quyết véc tơ truyền bệnh như diệt bọ gậy, diệt muỗi và chống muỗi đốt.
Qua giám sát thực tế, đa số người dân đều hiểu về nguy cơ gây bệnh, cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và có ý thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ dân chưa chú ý đến công tác phòng chống dịch, tỷ lệ bọ gậy trong các phế thải chứa nước ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là hoạt động được khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế địa phương thực hiện định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh nhằm nắm rõ tình hình phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng, hỗ trợ, giúp các địa phương có biện pháp can thiệp kịp thời khi chỉ số véc tơ cao vượt ngưỡng gây dịch, tránh để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.