A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một năm ở viện nhiều hơn ở nhà

Ngày đầu tiên Quảng Ninh phát hiện và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đánh dấu chặng đường đầy khó khăn, gian nan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của y, bác sĩ ngành Y tế Quảng Ninh. Do mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên họ phải xa gia đình, hy sinh niềm riêng, túc trực trong khu vực cách ly điều trị để kịp thời xử trí diễn tiến bệnh cho bệnh nhân, khi bệnh nhân ra viện, họ vẫn chưa thể về nhà... 

Khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện số 2.

Tháng 2/2020, Bệnh viện số 2 đặt tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh là một trong 2 đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh được thiết lập để cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, mỗi ngày làm việc trôi qua các y, bác sĩ nơi đây đã dần quen với những vết hằn trên mặt do phải mang khẩu trang trong nhiều giờ và mặc đồ bảo hộ kín mít có những lúc tưởng chừng như ngộp thở, nhưng vì phải chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nên đó không còn là nỗi khó khăn nữa mà trên hết là phải nỗ lực điều trị, chia sẻ, động viên để bệnh nhân khỏi bệnh.

Các kíp trực ở Bệnh viện số 2 bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm, có khi đang ăn dở bữa, đang giờ nghỉ, nhưng khi có lệnh là các “chiến sĩ áo trắng” khẩn trương tiến hành tiếp đón người bệnh. Là một trong những bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Phổi Quảng Ninh được điều động vào làm việc tại Bệnh viện số 2, bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo chia sẻ: Lúc đầu tôi và đồng nghiệp cũng có nhiều lo lắng vì đây là loại bệnh hết sức nguy hiểm và khả năng lây lan cao. Thế nhưng, với mong muốn phục vụ cộng đồng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, cùng với sự động viên của gia đình, người thân, tôi càng có thêm động lực để tham gia công tác. Hiện nay theo phân công, chúng tôi luân phiên làm việc ở Bệnh viện số 2 trong 1 tháng, sau đó được cách ly và ra ngoài nhận nhiệm vụ khác.

 

                                             

 

Xét nghiệm Covid-19 tại CDC Quảng Ninh.

Trong cuộc chiến này, đồng hành cùng đội ngũ y, bác sĩ đang trực tiếp cứu chữa người bệnh, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cũng vất vả, rủi ro không kém, khi họ luôn là người tiên phong đi vào vùng có nguy cơ cao tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, các kỹ thuật viên làm công tác xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 của CDC Quảng Ninh với áp lực công việc là rất lớn khi hàng ngày phải “làm bạn” với tác nhân gây bệnh nguy hiểm là những mẫu bệnh phẩm nguy cơ cao. “Tuy hằng ngày phải tiếp xúc với những bệnh phẩm nguy cơ lây nhiễm cao, song không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất” - kỹ thuật viên Trần Thị Làn, khoa Vi sinh huyết học, CDC Quảng Ninh, chia sẻ.

Ánh đèn hắt ra từ ô cửa phòng xét nghiệm sáng rực cả không gian trụ sở TTYT huyện Hải Hà. Dưới sân, đội phản ứng nhanh tất tưởi chuyển từng hòm chứa mẫu bệnh phẩm từ cơ sở gửi đến để xét nghiệm Covid-19. Lúc này trong phòng xét nghiệm, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Đông, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, TTYT Hải Hà, lặng lẽ bên labo xét nghiệm, tỉ mỉ và thận trọng trong từng thao tác. Trên tường, kim đồng hồ chỉ đã 2 giờ sáng.

Giám đốc TTYT huyện Hải Hà Bùi Mạnh Hùng cho biết: Với việc huy động xã hội hóa, TTYT Hải Hà đã sớm được đầu tư máy móc, đào tạo nhân lực để triển khai kỹ thuật xét nghiệm PT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2. Nhờ đó khi xuất hiện ổ dịch lớn tại huyện hồi tháng 11/2021, chúng tôi đã chủ động xét nghiệm, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Cho đến nay, các kỹ thuật viên xét nghiệm vẫn chưa phút nào nghỉ ngơi, thay nhau làm việc để có kết quả xét nghiệm sớm nhất nhằm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chưa kể các y, bác sĩ của đơn vị cùng túc trực cách ly điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại địa phương; đã có gần 200 ca F0 khỏi bệnh, ra viện, không có trường hợp tử vong.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Với ngành Y, không chỉ khi có dịch bệnh xảy ra mà cả khi bình thường, vào những ngày cuối cùng của năm cũ, ai cũng mong đợi bữa cơm Tất niên đầm ấm bên gia đình, nhưng gác lại niềm vui riêng, năm nào tại các đơn vị điều trị cũng đều có một lực lượng các y, bác sĩ, nhân viên y tế đón Giao thừa cùng đồng nghiệp, bệnh nhân. Với chúng tôi, được bên cạnh những đồng nghiệp, cùng chăm sóc và chia sẻ với những người bệnh và thân nhân của họ trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là một điều thiêng liêng và trân quý. Năm nay, có thêm nhiều nhân viên y tế đón Giao thừa tại bệnh viện và cả những chiến tuyến ngoài kia, giữ bình yên cho nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng là những người đi trước, về sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 kéo dài và chưa thể kết thúc. Chúng ta thầm gửi lời tri ân và cầu mong họ luôn có nhiều sức khỏe, đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả những khó khăn đè nặng trên vai...

 

Đoàn nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh. 
Trong suốt khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ tại TP HCM, các y, bác sĩ Quảng Ninh đã không quản khó khăn vất vả làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi với môi trường luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, với những kiến thức đã được chuẩn bị về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm cũng như tinh thần không ngừng trau dồi về chuyên môn để có thể điều trị tốt cho các bệnh nhân, các y, bác sĩ đã giúp các bệnh nhân mạnh khỏe, có bệnh nhân đã sát cửa tử nhưng đã được giành giật lại sự sống một cách thần kỳ...

Bác sĩ Đào Hồng Ngự hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 thở oxy.Bác sĩ Đào Hồng Ngự hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 thở oxy.
Khi thăm khám và thực hiện kỹ thuật qua các dụng cụ bảo hộ, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi bước vào "trận chiến" này chúng tôi mới thực sự thấm thía những áp lực, cam go ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Dù công việc vất vả, hiểm nguy, tuy nhiên, thấy sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện hơn mỗi ngày chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và động lực. Bệnh nhân mắc Covid-19 đều có bệnh lý nền phức tạp, tình hình sức khỏe liên tục diễn biến xấu, lại không có người thân bên cạnh, nên chúng tôi luôn phải theo dõi sát sao, tận tụy chăm sóc người bệnh từng bữa ăn, giấc ngủ và cả những sinh hoạt thiết yếu nhất.

Tiếp sau Bắc Giang, tôi lại cùng 20 nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Bệnh viện Bãi Cháy đến TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 vào tháng 9/2021. Có những tháng ngày ở viện nhiều hơn ở nhà, tuy vất vả nhưng chúng tôi tự hào vì đã đóng góp được một phần nhỏ bé vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước.

Trong thời gian ở huyện Chương Mỹ, Đoàn đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 6.500 đối tượng và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 7.000 người. Trong quá trình làm việc luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn, không xảy ra sai sót chuyên môn; cả nhóm không có ai bị lây nhiễm dịch bệnh, luôn có sức khoẻ tốt, đoàn kết thống nhất hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Bác sĩ Đặng Việt Hùng tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).
Không chỉ đi chống dịch tại tỉnh, thành phố bạn mà chúng tôi còn tham gia chiến dịch truy vết khoanh vùng diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm trên toàn tỉnh. Những đêm trắng lấy mẫu, việc ăn uống, nghỉ ngơi chỉ diễn ra trong chốc lát. Không quản ngại đêm hôm, thời gian làm việc kéo dài, áp lực công việc lớn, chúng tôi quyết tâm nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm và chỉ mong các mẫu đều cho kết quả âm tính...

Tác giả: Admin
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 3.403
Tháng 05 : 7.303